Bảy tuần qua, trên các thành phố khắp Trung Quốc, những con đường lớn hầu như vắng tanh. Doanh nghiệp đóng cửa, tài xế giao hàng thì quá tải với các túi thức ăn và vật phẩm. Đường phố chỉ có bóng dáng công nhân đi phun thuốc sát khuẩn.
Ước tính đã có tổng cộng 780 triệu người Trung Quốc phải quanh quẩn ở nhà trong nhiều tuần liền, khi đất nước này gồng mình chống Covid-19. Giờ đây, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ và El Salvador đang thực hiện các biện pháp tương tự. Tại Mỹ, California và Illinois cũng đã ra lệnh yêu cầu người dân ở yên tại nhà.
Việc cách biệt cộng đồng dường như mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh ở Trung Quốc. Nhưng đi kèm với nó là cái giá rất đắt đỏ. Trong tháng 1 và tháng 2, nền kinh tế Trung Quốc đã có một cú lao dốc lịch sử. Sản xuất công nghiệp giảm 13,5% và sản xuất dịch vụ giảm 13%. Doanh số bán lẻ giảm 20,5%, theo dữ liệu từ Pantheon Macroeconomics công bố hôm 16/3.
|
Công nhân đeo khẩu trang ngồi bên ngoài một nhà hàng đã đóng cửa ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 23/2. Ảnh: AP |
"Tôi nghĩ tất cả quốc gia sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn giữa sức khỏe và tác động kinh tế, và chắc chắn sẽ có tác động nặng nề đến cả hai", Tiến sĩ Ben Cowling, người đứng đầu Trung tâm hợp tác về Bệnh truyền nhiễm và kiểm soát dịch bệnh của WHO tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Khi cân nhắc sự đánh đổi giữa thiệt hại kinh tế và rủi ro sức khỏe cộng đồng, không phải quốc gia nào ban đầu cũng chọn sức khỏe. Khi nước Anh vượt qua 500 ca nhiễm Covid-19 và cả Bộ trưởng Y tế Anh Nadine Dears cũng dương tính, thì các trường học và doanh nghiệp vẫn mở. Các cuộc tụ họp đông người vẫn được cho phép.
Các quan chức chính phủ đối phó bằng một kế hoạch để củng cố nền kinh tế Anh. Chris Whitty, Giám đốc Văn phòng Y tế, cho biết họ đang chơi một "trò chơi dài". Nước Anh chọn cách xử lý đối lập với Trung Quốc và Italy, hai nước đi theo con đường cách ly hàng loạt.
"Quyết định của họ là ở phía ngược lại mọi người", Cowling nói về các nhà lãnh đạo nước Anh. "Vương quốc Anh có một triết lý khác, họ thường đưa kinh tế vào trong tính toán các chính sách y tế công cộng", ông giải thích.
Lựa chọn của các quốc gia khác trên cán cân kinh tế và sức khỏe, như cấm du lịch, đóng cửa trường học và xét nghiệm rộng rãi, nằm ở đâu đó giữa hai thái cực của Anh và Trung Quốc.
Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ đều hạn chế người dân ra khỏi nhà, trừ các đi lại cần thiết như đến nhà thuốc hoặc bác sĩ. Một số quốc gia yêu cầu người dân phải có sự chấp thuận của chính phủ để rời khỏi nhà. Các tiểu bang và thành phố của Mỹ bắt đầu thực hiện các biện pháp tương tự, dù ít nghiêm ngặt hơn từ tuần này.
Nhưng đến thứ hai (16/3), nước Anh đổi quan điểm sang phương pháp "đàn áp", khuyên người dân nên làm việc tại nhà và thực hành cách ly xã hội. Các biện pháp này không bắt buộc, nhưng một loạt các sự kiện lớn đã bị hủy. Hôm thứ tư (18/3), Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố rằng tất cả các trường học ở Anh sẽ đóng cửa.
Sự thay đổi xuất phát từ một báo cáo của Đại học Hoàng gia London rằng nếu không có các biện pháp như vậy, Covid-19 có thể giết chết nửa triệu người ở Anh. Báo cáo cũng thừa nhận các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn cái chết quy mô lớn như vậy sẽ là một sự đánh đổi kinh tế rất lớn.
"Sự áp chế, mang đến thành công cho đến nay ở Trung Quốc và Hàn Quốc, tạo ra chi phí kinh tế và xã hội to lớn mà bản thân chúng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và hạnh phúc trong ngắn hạn và dài hạn", báo cáo phân tích.
|
Xe của Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha tuần tra trênđường Lario tạiMalaga, Tây Ban Nha, ngày 15/3. Ảnh: Reuters |
Thời điểm này, không có lựa chọn nào là hoàn hảo, hay nói cách khác là không có lựa chọn nào hoàn toàn tốt. Hai thái cực của lựa chọn bao gồm, chính phủ có thể không làm gì để ngăn chặn Covid-19 lây lan, dẫn đến các bệnh viện quá tải và có khả năng khiến hàng trăm nghìn người tử vong. Ngược lại, họ có thể khóa chặt dân số của mình và hủy bỏ nền kinh tế của chính họ.
"Điều quan trọng là làm chậm lây bệnh. Tôi nghĩ rằng sức khỏe là ưu tiên số một, nhưng cũng rất đáng phải suy nghĩ cho một thành phố, một tiểu bang hoặc một quốc gia về cách duy trì hoạt động kinh tế", ông Cowling nói nếu mọi người mất việc và không có tiền, thì sẽ có tác động lâu dài đến sức khỏe của họ.
Mô hình phân tích từ Đại học Quốc gia Australia công bố đầu tháng này dự đoán rằng Mỹ có thể tổn thất GDP lên tới 1.700 tỷ USD năm nay, trong trường hợp xấu nhất. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể tăng lên 20% nếu không có sự can thiệp.
"Ngay cả trong trường hợp tốt nhất thì kinh tế cũng lao dốc lớn và các quốc gia cần phải hợp tác để hạn chế thiệt hại tiềm tàng càng nhiều càng tốt", nhóm nghiên cứu cho biết.
Tác động kinh tế nghiêm trọng đến mức nào còn phụ thuộc phần lớn vào cách các chính phủ lựa chọn giải quyết các làn sóng lây nhiễm xảy ra sau khi họ dỡ lệnh phong tỏa đợt đầu. Theo phân tích của ông Cowling, việc đình chỉ nền kinh tế kéo dài một tháng chỉ giúp trì hoãn đỉnh dịch trong khoảng 3 tháng.
Vì vậy, một khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế, nhiều chuyên gia lo ngại số ca lây nhiễm lại bắt đầu tăng trở lại. Trung Quốc và các quốc gia khác có thể kết thúc trong một "vòng luẩn quẩn", nơi họ phải đóng cửa các doanh nghiệp và thực hiện cách ly hàng loạt, cứ ba tháng một lần.
"Họ có thể ngừng hoạt động trong một tháng, nhưng sau đó khi họ mở cửa trở lại, dịch bệnh lại bắt đầu", Cowling nói. Ông lưu ý rằng, nếu không có một kế hoạch dài hạn thì các quốc gia sẽ rơi vào chu kỳ luẩn quẩn này. Điều này sẽ tàn phá nền kinh tế nghiêm trọng.
Một số chính phủ đang cấp cứu mạnh tay nền kinh tế, bằng cách cắt giảm thuế, tung các gói kích thích và các công cụ cứu trợ khác, nhưng chi phí để kiểm soát đại dịch này sẽ rất cao. "Tôi không biết điểm giữa nào là tốt nhất", ông Cowling nói. "Không có lựa chọn nào là tốt", ông thừa nhận.
theo Business Insider/VnExpress