Ảnh minh họa: Vox |
Theo New York Times, các công tố viên liên bang Mỹ đang tiến hành điều tra hình sự về các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa Facebook và một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới, tăng cường kiểm tra mô hình kinh doanh của “ông trùm mạng xã hội”, sau vụ bê bối cách đây 1 năm.
Bồi thẩm đoàn đã tiến hành thành lập hồ sơ từ ít nhất 2 nhà sản xuất smartphone và thiết bị di động. Cả 2 công ty đã hợp tác với Facebook, và được cấp quyền truy cập vào thông tin cá nhân của hàng trăm triệu người dùng.
Hai công ty nói trên nằm trong 150 đối tác chia sẻ dữ liệu của Facebook; bao gồm: Amazon, Apple, Microsoft và Sony. Tờ NY Times tiết lộ một tài liệu cho thấy Facebook đã cấp quyền truy cập trái phép hồ sơ cá nhân của người dùng, danh sách bạn bè… Rắc rối về pháp lý trong 2 năm qua khiến “ông trùm mạng xã hội” loại bỏ hầu hết mối quan hệ đối tác.
“Chúng tôi đang hợp tác với các nhà điều tra và thực hiện khảo sát nghiêm túc”, phát ngôn viên của Facebook tuyên bố trên tờ NY Times. “Chúng tôi đã cung cấp lời khai, trả lời các nghi vấn và cam kết tiếp tục làm vậy”.
Hiện tại, Facebook đang phải đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt của Ủy ban Thương mại Liên bang và Ủy ban Chứng khoán & Giao dịch. Đồng thời, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang bắt đầu điều tra báo cáo Cambridge Analytica đã truy cập trái phép dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook để xây dựng công cụ vận động tranh cử cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Được biết, cuộc điều tra Cambridge Analytica vẫn đang được tiến hành bởi các công tố viên Quận Bắc California. Vào cuối tháng 2, một cựu nhân viên Cambridge Analytica cho biết các nhân viên điều tra đã thẩm vấn anh ta cùng 3 nhân chứng khác, về việc công ty phân tích dữ liệu Anh Quốc đã qua mặt Facebook như thế nào.
Ban đầu, Facebook giải thích rằng Cambridge Analytica cam kết chỉ thu thập dữ liệu để nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, một tài liệu rò rỉ cho thấy công ty này đã thừa nhận với “ông trùm mạng xã hội” rằng ứng dụng của họ có thể được sử dụng vì mục đích thương mại.
Mặc dù, kinh doanh dữ liệu người dùng đi ngược với nguyên tắc hoạt động của Facebook tại thời điểm đó, nhưng công ty dường như không thường xuyên kiểm tra các ứng dụng trên nền tảng. Mãi tới tháng 12/2015, Facebook mới xóa ứng dụng của Cambridge Analytica.
CEO Mark Zuckerberg trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2018. Ảnh: Vox
|
Vi phạm của Cambridge Analytica bị phanh phui vào năm ngoái đã đẩy Facebook vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hình thành mạng xã hội. Sau đó, vào tháng 6 và tháng 12, “ông trùm mạng xã hội” tiếp tục bị tố chia sẻ dữ liệu cho các đối tác, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị di động, cho phép họ truy cập sau vào thông tin cá nhân của người dùng và ghi đè lên thiết lập quyền riêng tư.
Các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu đã cho công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft kiểm tra danh sách bạn bè của tất cả người dùng Facebook. Đồng thời, Amazon cũng được cấp quyền xem tên và thông tin liên hệ bạn bè của người dùng Facebook. Apple thậm chí còn được phép ẩn tất cả thông tin trên thiết bị và yêu cầu truy cập dữ liệu người dùng.
Qua đó, Facebook đã vi phạm thỏa thuận giữa công ty và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ ký kết vào năm 2011. Hành vi chia sẻ dữ liệu cũng mâu thuẫn với tuyên bố của CEO Mark Zuckerberg và các giám đốc điều hành khác, khẳng định Facebook đã ngừng cấp quyền truy cập dữ liệu người dùng cho bên thứ 3 từ nhiều năm trước.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã mất 1 năm để đi tra những vi phạm và đang cân nhắc mức phạt trị giá hành tỷ USD đối với “ông trùm mạng xã hội”. Đây có thể là mức phạt kỷ lục mà FTC từng ban hành.
Phía Facebook vẫn nỗ lực bảo vệ mối quan hệ đối tác, cho rằng công ty đã tuân thủ theo thỏa thuận giữa FTC và các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm mạng xã hội. Facebook đã từng bước thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng lạm dụng dữ liệu và phát tán thông tin sai lệch.
Tuần trước, CEO Mark Zuckerberg đã cho biết sẽ thúc đẩy kế hoạch bảo vệ quyền riêng tư trên các nền tảng mà công ty đang sở hữu.
Theo NY Times