|
Ngập lụt tại tổ dân phố 44, phường Yên Hòa. Ảnh: PV |
Phản ánh đến Báo Lao Động các hộ dân mong muốn các cơ quan chức năng cần có biện pháp lâu dài nhằm xử lý đường cống thoát nước hiệu quả và giảm tối thiểu tình trạng ngập úng như hiện nay.
Nước ngập cao 80cm
Theo phản ánh của người dân trong đợt mưa gần đây, hầu hết hộ dân ở đây đều bị “cô lập” trong nhà. Ông Trương Quốc Vượng (số nhà 87, tổ 44) cho biết: “Mỗi khi có mưa gia đình tôi và hầu hết các gia đình ở đây đều bị ngập sâu trong nước và phải chịu cảnh khốn đốn “chạy” đồ đạc khi trời đổ mưa”.
Còn ông Nguyễn Trung Kiên (số nhà 75B, tổ 44) cho biết thêm, từ khi có những công trình xây dựng thi công khiến tình trạng thoát nước trong khu vực rất kém. Ở đây cứ mưa 10 phút là ngập ít nhất 20cm, mưa như ngày 17.7 nước phải ngập sâu hơn 80cm. Trời cứ mưa là ngập, nước tràn vào nhà, có hôm đi làm thì trời đổ mưa, trở tay không kịp khiến đồ điện gia dụng ở tầng 1 nhà tôi bị ngập nước, thiệt hại đến cả chục triệu đồng.
Người dân phản ánh nguyên nhân của việc ngập úng có phần do Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội đã cho công nhân co hẹp cống thoát nước bằng bêtông có đường kính gần 60cm, thay vào đó đường ống bằng nhựa có đường kính khoảng 20cm. Theo các hộ dân việc co hẹp đường ống thoát nước như vậy khiến tình trạng thoát nước chậm, ngập úng nặng nề hơn.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên - tổ trưởng tổ dân phố 44 - cho biết, thực trạng trong khu vực cứ mưa là ngập, là có thật. Trước tình trạng đó thường xuyên diễn ra trong hai năm qua, người dân thống nhất với bên phường, cán bộ nhân viên ở xí nghiệp thoát nước, chỉ cần ở đây có hiện tượng ngập sẽ gọi điện trực tiếp cho xí nghiệp thoát nước phụ trách trong khu vực để họ kịp thời xử lý.
Ngoài ra, người dân còn phản ánh công trình Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội và Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long từ khi thi công khiến đời sống của người dân trong khu vực khốn đốn. Ông Nguyễn Trung Kiên (tổ 44), cho biết việc xây dựng các công trình trên gây tiếng ồn và rơi vật liệu xây dựng xuống nhà dân và xuống đường ròng rã nhiều năm nay.
Hệ thống thoát nước… không đồng bộ?
Trao đổi với PV Lao Động, Phó Chủ tịch phường Yên Hòa Đỗ Ngọc Anh cho biết, hiện nay, tại khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng khi trời mưa, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và vệ sinh môi trường tại khu vực này. Nguyên nhân tổ 44 ngập như người dân phản ánh do hai công trình Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội và Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long thực ra là một phần, chứ không phải tất cả.
Cuối năm 2016, UBND phường cùng Xí nghiệp thoát nước số 2, Ban Quản lý dự án quận Cầu Giấy đã tiến hành khảo sát và nắm bắt được đường đi cống nước để tìm nguyên nhân vì sao khu vực này ngập úng. Trước đây, khu vực tổ 44 là khu tập thể Cục An ninh Quân đội xây dựng từ lâu và xung quanh là cánh đồng. Hiện nay, các công trình xây mới nên khu vực tổ 44 bị thấp hơn mặt bằng chung.
Đặc điểm hệ thống thoát từ tổ 44 chạy đến hố ga trên đường Mạc Thái Tổ, từ đây có cống thoát nước thông ra mương hở. Hệ thống thoát nước chạy từ khu dân cư đến khu vực đường Mạc Thái Tổ rất lớn, đảm bảo tiêu thoát trong khu dân cư. Tuy nhiên, phần cống nước xả ra mương có phi 200 rất nhỏ - đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thoát nước chậm trong khu vực.
Ông Anh nói: Khi biết được nguyên nhân này, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu xí nghiệp thoát nước phải túc trực tại hố ga trên đường Mạc Thái Tổ, hút nước kịp thời, để việc thoát nước trong tổ dân phố 44 nhanh hơn. Về lâu dài, chúng tôi đề nghị quận Cầu Giấy và TP.Hà Nội mở đường thoát nước khác, giảm tình trạng ngập úng hiện nay.
Ngày 11.7, Sở Xây dựng Hà Nội họp Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị có tính toán đến việc lắp đặt bổ sung cống thoát nước trên cơ sở đảm bảo thoát nước. Theo đó, công trình thoát nước (tổ dân cư 44 Yên Hòa) sẽ cải tạo thay thế cống D300 hiện trạng bằng cống D800 trước tòa nhà Thăng Long. Lắp đặt bổ sung cống D600 từ tổ 44 đầu nối vào cống D800 hiện trạng nằm dọc đường Mạc Thái Tổ, hướng thoát nước ra mương kè B Nam Trung Yên.