Tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật giành giải Nobel Hòa bình 2024

(VietTimes) – Cách đây ít phút, Giải Nobel Hòa bình năm 2024 đã được công bố tại Oslo, Nauy và trao cho Nihon Hidankyo (Hiệp hội các tổ chức nạn nhân bom nguyên tử và bom khinh khí Nhật Bản), một tổ chức phi chính phủ ở Nhật.
Hiệp hội các tổ chức nạn nhân bom nguyên tử và bom khinh khí Nhật Bản), một tổ chức phi chính phủ ở Nhật đã được trao Giải Nobel Hòa bình 2024 (Ảnh: Singtao).

Đây là lần thứ hai một cá nhân hoặc nhóm người Nhật đoạt giải Nobel Hòa bình sau 50 năm kể từ khi cố Thủ tướng Eisaku Sato được trao giải thưởng này năm 1974.

Tổ chức Nihon Hidankyo gồm những người sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945, còn được gọi là Những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử.

Vượt qua 286 đề cử là các cá nhân và tổ chức khác, Nihon Hidankyo đã được trao Giải thưởng Nobel Hòa bình “vì những nỗ lực nhằm đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân và thể hiện qua lời khai của các nhân chứng chứng minh rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được phép sử dụng lại”.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho rằng, việc một nhóm nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân trong nhiều năm giành được giải thưởng là vô cùng có ý nghĩa.

Tháng 8 năm 1945, Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, đánh dấu lần duy nhất trong lịch sử loài người vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh.

Hai quả bom nguyên tử đã san bằng thành phố và giết chết khoảng từ 129.000 đến 226.000 người. Những người sống sót bị ảnh hưởng bởi bức xạ hạt nhân và bị tổn hại sức khỏe suốt đời.

Một thành viên Tổ chức Nihon Hidankyo bên ảnh những người thân là nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử năm 1945 (Ảnh: Singtao).

Trong vài thập kỷ qua, những “người sống sót sau bom nguyên tử” Nhật Bản đã dùng kinh nghiệm và bằng chứng cá nhân để kêu gọi thế giới phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hiệp hội các tổ chức nạn nhân bom nguyên tử và bom khinh khí Nhật Bản được thành lập vào ngày 10/8/1956. Trong những năm qua, Hiệp hội này đã tích cực kêu gọi thế giới bãi bỏ vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc cử các phái đoàn tham gia các cuộc họp quốc tế liên quan đến hạt nhân như Hội nghị thẩm định đánh giá “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”; đồng thời yêu cầu các nước hỗ trợ những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử.

Ủy ban Giải Nobel Na Uy nhận định, dù kể từ sau Thế chiến thứ hai, Trái đất vẫn thường xuyên xảy ra chiến tranh; nhưng may mắn thay, không có quốc gia nào sử dụng vũ khí hạt nhân trong 80 năm qua.

Bức ảnh chụp gia đình một thành viên tổ chức - người duy nhất sống sót trong vụ nổ bom nguyên tử 1945 (Ảnh: Singtao).

Ủy ban Giải Nobel Na Uy cho rằng tình hình thế giới hiện nay rất căng thẳng, các nước lớn vẫn đang nỗ lực nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình, thậm chí còn đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, Ủy ban đã quyết định trao giải thưởng cho tổ chức "Những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử" nhằm nhắc nhở thế giới về sức tàn phá của vũ khí hạt nhân và những thảm họa mà chúng có thể mang lại.

Năm ngoái, người đoạt giải Nobel Hòa bình là Narges Mohammadi. Bà là phó chủ tịch của "Defenders of Human Rights Center” (Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền), một tổ chức nhân quyền ở Iran, vì những lời chỉ trích lâu dài đối với chính phủ Iran, đã bị buộc tội "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” và “tuyên truyền chống chính phủ”. Narges Mohammadi đã giành được giải thưởng khi ở trong tù nên người nhà của bà đã thay mặt cô nhận giải thưởng.

Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng gây tranh cãi nhất trong tất cả các giải thưởng. Bởi vì định nghĩa “hòa bình” rất mơ hồ và người tiếp nhận nó thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị.

Ví dụ, cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama đã giành được giải thưởng vào năm 2009, nhưng Mỹ vào thời điểm đó đang phát động các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Syria và những nơi khác.

Theo Đông Phương, Singtao