Những lĩnh vực được xem là điểm nóng trong “cuộc chiến” chống thất thu là chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ thương mại, ăn uống, du lịch...
Cần làm việc với Facebook...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đưa ra con số giật mình: chỉ 26% doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài có tờ khai thuế có số thuế thu nhập DN phải nộp.
“Như vậy có phải có dấu hiệu của việc kê khai chưa đúng hay không?” - bà Mai đặt câu hỏi đồng thời yêu cầu cơ quan thuế phải có biện pháp giám sát việc kê khai của các DN này sao cho có hiệu quả.
Không chỉ với các DN FDI, ông Phạm Thành Kiên - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết trong ba năm gần đây thương mại điện tử phát triển rất mạnh. Số lượng website kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn hiện lên đến 80.000, trong đó một nửa là hoạt động ổn định trong hai năm.
Tuy nhiên việc kiểm soát nguồn thu rất khó khăn dù có thể xác định được địa điểm đặt website ở đâu. Ngoài ra, việc bán hàng trên Facebook nở rộ nhưng khó thu thuế.
“Đề nghị UBND TP làm việc với Facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu” - ông Kiên đề nghị.
Với hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, ăn uống và một số lĩnh vực nhạy cảm, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết vừa qua đã làm việc với một DN thiết kế phần mềm quản lý cửa hàng xuất hóa đơn.
Nếu sau khi báo cáo TP cho chủ trương thì Sở Công thương TP sẽ phối hợp với Cục Thuế TP, phòng kinh tế các quận, huyện triển khai lắp đặt.
Kiểm tra một lần/năm làm khó ngành thuế?
Năm 2016, Cục Thuế TP báo cáo đã thanh tra, kiểm tra tại 20.233 DN với số thuế truy thu và phạt là 2.863 tỉ đồng, trong đó thanh tra 7 đơn vị thuộc Big C tại TP.HCM thu được 4 tỉ đồng; riêng về chuyển nhượng của hệ thống Big C trên cả nước, số thuế thu được 1.914 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Cục Thuế TP cũng nêu ra hàng loạt vướng mắc. Theo ông Trần Ngọc Tâm - cục trưởng Cục Thuế TP, yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra DN quá một lần/năm nêu trong nghị quyết 35 đang “làm khó” ngành thuế.
“Giả sử như DN thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau mà một năm có 2-3 kỳ hoàn thuế thì buộc cơ quan thuế phải tiến hành kiểm tra trước khi hoàn. Nhưng như vậy cơ quan thuế hoàn toàn có thể đối mặt với việc bị phê phán là trái với tinh thần nghị quyết 35. Đề nghị nên có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế dễ thực hiện” - ông Tâm đề nghị.
Về chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra được Tổng cục Thuế giao là 18% tổng số DN đang hoạt động, tương đương với 18.900 DN, ông Tâm băn khoăn: “Không hiểu sẽ xoay xở ra sao. Nếu chỉ tiêu cứ như thế này mà số DN tới đây tăng từ 105.000 lên 500.000 DN thì không biết tổ chức Cục Thuế TP ra sao”.
Ngoài ra, theo ông Tâm, Cục Thuế TP còn phải thanh tra, kiểm tra DN trước khi giải thể. Với khoảng 17.000 DN dạng này một năm, ông Tâm lo... làm không xuể. Hiện còn tồn số lượng DN rất lớn xin giải thể nhưng ngành thuế không có nhân lực kiểm tra.
Trả lời kiến nghị này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị Cục Thuế phải chọn thanh tra “đúng chỗ”, chú trọng vào những DN có rủi ro cao...
Phạt 1.549 tỉ đồng lĩnh vực dịch vụ, ăn uống…
Ông Trần Ngọc Tâm thông tin trong năm 2016 chuyên đề thanh tra lĩnh vực thương mại, dịch vụ, ăn uống đã truy thu và phạt 1.549 tỉ đồng. Cục Thuế TP cũng kiểm tra 4.971 hộ khoán, số thuế khoán điều chỉnh tăng từ 50% trở lên đối với 718 hộ với số thuế là 34 tỉ đồng.
Cục Thuế TP đang kiến nghị cần có chính sách để các DN ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh ngành ăn uống, dịch vụ cao cấp phải sử dụng máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn điện tử để xác định chính xác doanh thu thực tế…
Nhiều chiêu trốn thuế trong lĩnh vực du lịch
Theo Cục Thuế TP, hiện nay một số DN sử dụng tư cách pháp nhân, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để kinh doanh lữ hành trái phép. Một số khách sạn lại ký hợp đồng bán phòng cả năm cho các công ty du lịch quốc tế, các trang mạng.
Các đối tác này bán lại phòng cho khách quốc tế, phát sinh thu nhập nhưng không kê khai, nộp thuế...
Theo Tuổi trẻ Online