|
Patti tặng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cuốn sách "Why Vietnam" (xuất bản năm 1980) vào giữa năm 1982. |
Ông làm việc với người Mỹ đầu tiên lúc nào? Ai là người để lại nhiều ấn tượng nhất?
- Đại sứ Hà Huy Thông: Sau khi tốt nghiệp Đại học tháng 9/1980, tôi công tác ở Vụ Bắc Mỹ (nay là Vụ Châu Mỹ), Bộ Ngoại giao, rồi đi học thêm đến giữa 1981. Đầu năm 1982, tôi bắt đầu tham gia đón một số đoàn Mỹ. Mỗi đoàn để lại một ấn tượng riêng. Nhưng có lẽ ông Achimedes Patti là người để lại nhiều ấn tượng nhất cho tôi là cán bộ mới và cấp thấp.
Vì sao?
- Thứ nhất, ông ấy nguyên là Trưởng đại diện Cơ quan Phục vụ Chiến lược (OSS - Office of Strategic Services - tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương - CIA của Mỹ) ở Côn Minh, Trung Quốc. Ông đã theo dõi tình hình Nhật ở Đông Dương từ 1943 - 1944, và bắt đầu tiếp xúc với Hồ Chí Minh, đặc biệt là tháng 8/1945.
Ông đã vào Hà Nội để theo dõi việc giải giáp quân Nhật đang sắp thất bại hoàn toàn ở Đông Dương và kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Lần này, ông đã gặp lại Hồ Chí Minh, rồi trở thành "nhân chứng lịch sử" khi dự nghe Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Thứ hai, ông đã kể lại những chuyện khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày lịch sử cách đây đúng 75 năm, giúp cho tôi hiểu hơn cách nhìn của một cựu tình báo Mỹ về Việt Nam và Hồ Chủ tịch.
Thứ ba, là cán bộ mới ra trường, tôi may mắn được trực tiếp nghe lại những chuyện ý nghĩa mà chỉ mới được đọc hay học, nay lại từ một nhân chứng lịch sử quốc tế hiếm hoi tham dự "Ngày lập quốc" của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mình như hiểu hơn về quan hệ Mỹ - Việt vào thời điểm bước ngoặt lịch sử của dân tộc.
Vậy khi thăm lại Việt Nam, ông Patti đã đi những đâu, gặp những ai, thưa ông?
- Ông Patti đề nghị thăm lại những nơi ông đã đến khi ở Việt Nam tháng 8 và 9/1945, như Phủ Chủ tịch, nhà số 19 - 21 phố Hai Bà Trưng (nguyên Trụ sở Tổng Lãnh sự quán là tài sản ngoại giao của Mỹ, năm 1994 hai bên ký Thỏa thuận tài sản ngoại giao thì ta trả lại cho Chính phủ Mỹ, nay dùng làm "Câu lạc bộ Mỹ" (American Club), viếng Lăng Hồ Chủ tịch, thăm Nhà sàn của Bác Hồ và gặp đại diện một số cơ quan của ta.
Ngày 9/9 ông đã xin gặp và tặng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, khi đó mới được Đại hội Đảng lần thứ V, tháng 3/1982, bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, cuốn "Tại sao Việt Nam?" (Why Vietnam") mà ông Patti mới viết năm 1980.
Ngoài ra, ông cũng xin gặp một số nhân chứng và nhà nghiên cứu lịch sử của ta.
Theo các sử gia, Bác Hồ đã 8 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ H.Truman, theo ông Bác Hồ gửi theo con đường nào hay chỉ qua ông Patti? Hình như ông Patti quá nhỏ bé để thay đổi được quan điểm của Mỹ ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam?
- Là người am hiểu thế giới và Mỹ, Bác Hồ chắc chắn biết làm việc đó thế nào thích hợp nhất mà nhiều khi chúng ta khó thể tưởng tượng.
Khi công tác ở Phái đoàn ta tại Liên hợp quốc cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi cũng đã góp phần gửi một số trong 8 bức thư này do bạn bè Mỹ thu thập được từ thư viện của các trường Đại học, và gửi về các cơ quan liên quan trong nước.
Ông có nghĩ những điều Hồ Chủ tịch nói trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 trích Tuyên ngôn Độc lập ngày 4/7/1776 (của Mỹ) là có sự tham khảo với ông Patti không?
- Tôi không thể khẳng định điều này. Nhưng, theo tài liệu của phía Mỹ, thì từ năm 1912, Bác Hồ đã sống và làm việc ở Boston (bang Massachssettes) là nôi của cách mạng Mỹ, sau này Bác đã viết một số bài về Mỹ, nay đã được đưa vào "Hồ Chí Minh toàn tập", liên quan lịch sử và Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.
Khi tôi dẫn ông Patti đến 48 phố Hàng Ngang, thì ông kể lại Bác Hồ đã hỏi ông về Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ..., trong đó có câu trích đưa vào Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.
Tại sao Bác Hồ lại tin ông Patti trong khi ông ấy là một sĩ quan tình báo Mỹ?
- Câu hỏi đó chắc chỉ Bác Hồ mới biết được. Tôi chỉ biết Bác đã từng dạy: "Việc gì có lợi cho dân, thì dù khó, cũng cố hết sức làm" mà.
Ông có cho rằng chuyến đi này của ông Patti giúp cải thiện quan hệ Mỹ- Việt không?
- Tôi hiểu chuyến đi đã giúp ông cập nhật tình hình Việt Nam từ 1945 và tăng cường hiểu biết giữa hai bên.
Xin kể thêm hai câu chuyện nữa để ta hiểu hơn phần nào về ông Patti với Việt Nam và Hồ Chủ tịch.
Thứ nhất, khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông Patti đã từng trả lời phỏng vấn rằng: Sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và chứng kiến người dân Việt Nam bộc lộ sự ủng hộ nhiệt thành thế nào khi nghe Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, ông đã điện về kiến nghị Nhà trắng công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, và không phải là kẻ thù của Mỹ, tuy có thể là kẻ thù của Pháp. Nhưng ông thừa nhận rằng không hiểu Nhà trắng phản ứng thế nào với những bức điện của ông.
Thứ hai, cuối năm 1989, khi đang công tác tại Phái đoàn ta bên cạnh Liên hợp quốc ở New York, một hôm tôi vô tình nhận được cú điện thoại của ông Patti đề nghị Phái đoàn kiến nghị trong nước cho ông tham dự Hội thảo quốc tế về Hồ Chủ tịch tháng 5/1990 ở Hà Nội. Và thế rồi, ông đã được trở lại Việt Nam trong đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch mà ông nói xin phép được gọi là "Người Bạn vĩ đại của tôi".
|
Hồ Chí Minh và Tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Patti năm 1945
|
|
Patti thăm căn nhà 19-21 Hai Bà Trưng
|
Xin cám ơn Đại sứ.
Archimedes L.A. Patti (1914-1998) sinh ra tại New York. Ông gia nhập quân đội Hoa Kỳ từ năm 1941 và trở thành một sĩ quan bộ binh trên chiến trường châu Âu trong Thế Chiến II. Cuối năm 1944, ông chuyển sang công tác tình báo tại Cục tình báo Chiến lược (OSS - Office of Strategic Services, tiền thân của CIA sau này) và được phân công làm Trưởng ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS, hàm Đại úy. Tháng 4 năm 1945, ông sang Côn Minh và có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với lãnh tụ của Việt Minh là Hồ Chí Minh. Sau khi Thế chiến kết thúc, ông được thăng hàm Thiếu tá và được cử làm trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Hoa Kỳ, thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật tại Bắc Đông Dương. Vị cựu sĩ quan tình báo này đến Hà Nội tháng 8 năm 1945 để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật tại Bắc Đông Dương. Thời gian này, ông có những tiếp xúc với Hồ Chí Minh và chứng kiến ngày lễ Độc lập của Việt Nam. Năm 1980, ông cho xuất bản quyển hồi ký "Tại sao Việt Nam?", ghi chép lại những sự kiện chính trị quan trọng và về vai trò của người Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn này. Hoạt động tại Việt Nam Patti đến Hà Nội vào ngày 22 tháng 8 và thực thi nhiệm vụ của mình cho đến ngày 30 tháng 9 năm 1945. Tuy chỉ ở Đông Dương trong 38 ngày nhưng Patti đã kịp chứng kiến những sự kiện chính trị tại đây, khởi đầu cho một cuộc chiến tranh giành độc lập của người Việt Nam đồng thời được tiếp xúc với nhiều lãnh tụ hàng đầu của Việt Minh đang lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như của các đảng phái quốc gia người Việt. Ông là đại diện chính thức cho quân đội Mỹ tại Đông Dương làm việc với các chỉ huy quân sự Nhật, Trung Quốc, Pháp, Anh đang đóng quân ở đây. Chính từ những sự kiện này mà ông đã tập hợp lại thành quyển hồi ký "Why Vietnam?", gây nhiều tranh cãi về vai trò của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đi cùng ông là sĩ quan tình báo Jean Sainteny, Chỉ huy trưởng Phái đoàn 5 (gọi tắt là MI-5), người đã đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt (1946) với đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hồ Chí Minh cùng Vũ Hồng Khanh. Trở về nước Mỹ Sau khi về Mỹ, ông được thăng hàm Trung tá và tiếp tục công tác trong quân đội cho đến khi giải ngũ vào năm 1957. Sau đó ông trở thành một chuyên gia về quản lý khủng hoảng tại Văn phòng Kế hoạch khẩn cấp ở Washington, đặc trách xây dựng các kế hoạch tổ chức quản lý quốc gia trong trường hợp có xảy ra tấn công hạt nhân. "Tại sao Việt Nam": Khúc dạo đầu chim Hải âu của nước Mỹ Năm 1971, ông nghỉ hưu và về sống tại Florida, viết một cuốn sách và vài bài báo về Việt Nam. Năm 1973, ông bắt đầu thu thập các tài liệu, đến năm 1980, ông đã cho xuất bản quyển hồi ký "Why Vietnam: Prelude to America's Albatross" (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim Hải âu của nước Mỹ) viết về mối quan hệ của ông với Hồ Chí Minh và những sự kiện liên quan đến ngày lễ Độc lập của Việt Nam ngày 2 tháng 9 năm 1945 cũng như tình hình chính trị Việt Nam mà ông quan sát được trong thời gian ông công tác tại miền Bắc Việt Nam. Đây là một tài liệu lịch sử có giá trị được viết bởi một nhân chứng lịch sử tham gia trực tiếp vào các sự kiện tại Việt Nam, có điều kiện chứng kiến, thu thập thông tin một cách chuyên nghiệp và tiếp xúc với nhiều lãnh đạo của các phe phái chính trị tại Việt Nam cũng như với chỉ huy quân đội các nước Đồng Minh đóng quân tại đây. Công lao ghi nhận và gia đình Do những cống hiến của mình trong cả quân sự lẫn dân sự, ông được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng huân chương Ngôi sao Đồng với Nhành sồi. Ông qua đời ngày 23 tháng 4 năm 1998 tại Winter Park, Florida, thọ 84 tuổi, và được an táng theo nghi thức danh dự của quân đội tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Ông lập gia đình với bà Margaret Telford Patti. Hai người có với nhau 2 người con gái là Alexandra Eldridge và Giuliana Scott. |