Có thể điều trị hiệu quả tiền ĐTĐ
Theo GS. TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết – ĐTĐ Việt Nam, ĐTĐ có rất nhiều biến chứng như mù lòa, cắt cụt chi, bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, gan nhiễm mỡ và vô số những biến chứng khác … Còn tiền ĐTĐ là giai đoạn phía trước có biến chứng và ngay giai đoạn này đã có 20% biến chứng tim mạch…
Nếu ĐTĐ có biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, thì tiền ĐTĐ lại không có triệu chứng gì, nên được coi là căn bệnh thầm lặng, không có triệu chứng để gợi ý người bệnh đi khám.
GS. TS Trần Hữu Dàng chia sẻ: Tuy nhiên, tin vui cho người mắc tiền ĐTĐ là tiền ĐTĐ có thể hồi phục, trở lại hoàn toàn trạng thái khi chưa mắc ĐTĐ, thông qua việc thực hiện các chương trình điều chỉnh lối sống dựa trên việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tăng mức độ hoạt động thể chất. Tức là, người mắc tiền ĐTĐ vẫn có cơ hội làm chậm quá trình diễn tiến thành ĐTĐ và thậm chí là quay trở lại mức đường huyết bình thường.
GS.TS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch hội nội tiết ĐTĐ Việt Nam trình bày về bệnh tiền ĐTĐ
|
Do đó, việc chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn tiền ĐTĐ là vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân giảm sự tổn hại cho sức khỏe lẫn chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chương trình trình tầm soát vì bệnh nhân
Chính vì thế, Hội Nội tiết – ĐTĐ Việt Nam đã tổ chức họp báo về nâng cao nhận thức với bệnh tiền ĐTĐ, đồng thời, ký kết biên bản ghi nhớ “Chương trình tầm soát tiền ĐTĐ vì phúc lợi bệnh nhân” với Merck Export GmbH Việt Nam (Merck Việt Nam) để tầm soát, ngăn ngừa bệnh.
GS.TS. Trần Hữu Dàng cho hay đây là dự án tài trợ vì phúc lợi bệnh nhân, do Hội Nội tiết - ĐTĐ Việt Nam thực hiện và Merck Việt Nam hỗ trợ kinh phí, nhằm chẩn đoán sớm tiền ĐTĐ ở những bệnh nhân có nguy cơ cao: thừa cân, tăng huyết áp, gia đình có tiền sử người bị ĐTĐ, rối loạn mỡ máu... Chương trình còn nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về tiền ĐTĐ – giai đoạn nguy cơ trước khi tiến triển thành ĐTĐ, giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và phòng ngừa tốt hơn.
Bà Gabi Weinhold_đại diện tổng lãnh sự CHLB Đức phát biểu
|
“Một vấn đề nhức nhối là bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền ĐTĐ trước khi mắc ĐTĐ mà không hay biết. Tiền ĐTĐ sẽ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 trong vòng 5 – 10 năm hoặc sớm hơn. Đã đến lúc cần quan tâm nghiêm túc và đúng mức về tiền ĐTĐ. Giúp người dân có nguy cơ mắc tiền ĐTĐ được tầm soát sớm tại các bệnh viện là cách hiệu quả để ngăn chặn ĐTĐ trong cộng đồng. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn phổ biến kiến thức về tiền ĐTĐ cho nhân viên y tế để họ tư vấn, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân sớm, đồng thời, giúp vấn đề dự phòng, kiểm soát ĐTĐ trong cộng đồng được tốt hơn”- GS. Dàng chia sẻ.
Tại buổi lễ diễn ra vào ngày 23/11, đại diện Tổng lãnh sự quán CHLB Đức – bà Gabi Weinhold đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài như Merck đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng sống, chăm sóc y tế cho người dân.
GS.TS. Trần Hữu Dàng và ông Võ Xuân Thắng đại diện Merck Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ chương trình tầm soát tiền ĐTĐ vì phúc lợi bệnh nhân
|
Chương trình dự kiến thực hiện từ tháng 11/2019 cho đến năm 2020 trên 2.500 đối tượng nguy cơ cao tiền ĐTĐ tại 6 bệnh viện lớn trên cả nước, bao gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội.
Đừng để thừa cân
Để tránh tiền ĐTĐ, người đứng đầu Hội Nội tiết – ĐTĐ Việt Nam khuyến cáo: “Cần có cuộc sống lành mạnh (tập thể dục, đi bộ 30 phút mỗi ngày), ăn uống đúng cách, không lạm dụng thức ăn ngọt; những người có nguy cơ mắc ĐTĐ như người có tiền sử ĐTĐ thai kỳ, những người thừa cân béo phì, tiền ĐTĐ dưới 60 tuổi hãy dùng thuốc ngay. Tỷ lệ thừa cân béo phì đang tăng ở người Việt Nam, trong khi đây là nguy cơ hàng đầu của tiền ĐTĐ và ĐTĐ. Cùng với ăn uống kiêng khem để giảm trọng lượng cơ thể, phải có chế độ tập luyện.”