Chia sẻ tại hội thảo “Kết nối và phát huy các nguồn lực để Start-up Việt nhìn ra thế giới”, bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập của Vietnam Silicon Valley tin tưởng rằng chất lượng của các Start-up Việt Nam đang ngày càng được nâng cao.
Cụ thể bà cho biết: “Một ý tưởng khởi nghiệp tại Việt Nam ở năm 2012 có thể gọi 10.000 USD đầu tư, nhưng hiện tại đã tăng lên tới 50.000 USD.”
Những năm trước đây, Start-up Việt Nam không được đánh giá quá cao về tính sáng tạo ở ý tưởng khởi nghiệp. Bàn về vấn đề này, ông Trí Hoàng – Giám đốc điều hành của AI 20X, và cũng là nhà khởi nghiệp thành công tại thung lũng Silicon của Mỹ, cho rằng thị trường Việt hấp dẫn nhất vẫn là ở nguồn nhân lực.
Các nhà khởi nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ý tưởng từ các doanh nghiệp ngoại, áp dụng công nghệ đã tồn tại trên thế giới để phát triển ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là Start-up Việt đang thiếu xót rất nhiều ở khâu tự vận hành và kinh doanh. “Phần lớn các bạn không định hình được mô hình kinh doanh và chưa biết kinh doanh sao cho hiệu quả”, ông Trí Hoàng cho hay.
Sự thành công của một Start-up không chỉ dừng lại ở câu chuyện gọi vốn, mà là câu chuyện sử dụng nguồn vốn có hiệu quả không và doanh nghiệp có kinh doanh được không?
Thị trường đầu tư khởi nghiệp của Việt Nam hiện đang đến từ các quỹ, các doanh nghiệp ngoại. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường cũng đang phát ra những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, đối tác điều hành của ESP Capital cho rằng nhà đầu tư ngoại đô lúc cũng e ngại với thị trường Việt Nam, vì chi phí đầu tư cao mà vướng mắc thể chế thì rất nhiều, từ đó tốn nhiều thời gian và công sức.
Start-up lo ngại mất ý tưởng, mất quyền điều hành
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không phải doanh nghiệp nào cũng đang muốn gọi vốn. Bà Lê Hoàng Uyên Vy sau một thời gian tiếp xúc với các nhà sáng lập thuộc “phái yếu” cho rằng, rất nhiều Start-up sợ gọi vốn vì e ngại mất quyền điều hành.
Ông Lâm Trần, nhà sáng lập của Nhóm mua, một Start-up khá nổi bật trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ cũng kể lại câu chuyện thất bại vì nhà đầu tư. Theo đó, Nhóm mua thời điểm 2015 đã gọi được 60 triệu USD vốn, điều này đã khiến nhà sáng lập mất hết quyền điều hành.
Tại thị trường Việt Nam, những ví dụ điển hình như The Kafe, Món Huế cũng đang tạo nên những ví dụ không mấy lành mạnh về mối quan hệ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp. Gọi vốn, và để nhà đầu tư đóng góp quá nhiều vào quá trình kinh doanh có thể khiến chủ doanh nghiệp mất đi ý tưởng kinh doanh và quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Bà Thạch Lê Anh cũng chỉ ra những thiếu xót của thị trường gọi vốn Việt Nam hiện tại, theo đó cho rằng khải niệm đầu tư vào Start-up ở một số bên đang khá sai lầm.
“Mình không thể cứ đầu tư vào một doanh nghiệp khởi nghiệp, để rồi khi doanh nghiệp này thất bại, mình lại quay sang tố cáo họ. Hoạt động gọi vốn của Start-up khác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa gọi vốn khi họ kinh doanh sau một thời gian, có lãi. Còn Start-up thì có thể gọi vốn ngay từ giai đoạn ý tưởng”, bà Thạch Lê Anh nhấn mạnh.
Hiện tại, phía chính phủ Việt Nam cũng đang phát ra những tín hiệu hỗ trợ đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt, với các hoạt động cụ thể như đưa Start-up ra nước ngoài học hỏi, kêu gọi doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vốn, hỗ trợ xây dựng cộng đồng khởi nghiệp tại các trường đại học.
Tuy nhiên, những vấn đề quan trọng khác như dòng vốn, thể chế, chính sách vẫn cần thêm thời gian để xử lý./.