Tin giả về bão lũ miền Trung lan truyền khắp Facebook

Những tin giả về siêu bão cấp 17, hình ảnh người mẹ ôm con bị bùn vùi lấp ở miền Trung lan truyền khắp Facebook khiến cộng đồng hoang mang.
Tin giả về bão lũ miền Trung lan truyền khắp Facebook

"Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự đoán ngày 25/10, Việt Nam sẽ hứng chịu một cơn siêu bão lên đến cấp 17 (cấp cao nhất tại Việt Nam). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão lên tới 220 km/h, dự kiến đổ bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Bình" - đoạn tin giả trên đã lan truyền khắp Facebook từ ngày 19/10 và thu hút hàng chục nghìn lượt chia sẻ sau vài giờ đăng tải.

Hàng trăm bình luận thể hiện sự lo lắng cho người dân miền Trung vì những ảnh hưởng của cơn bão trước vẫn chưa được khắc phục. Quang Thuần, một nhân viên văn phòng quê ở Quảng Bình đang làm việc tại TP HCM, cho biết: "Tin về siêu bão cấp 17 phủ khắp Facebook khiến mình tưởng thật nên đã gọi về báo gia đình ở quê chuẩn bị. Mọi người ở nhà nghe thế cũng rất hoang mang vì không biết phải làm gì tiếp theo".

Minh Anh, trưởng một một nhóm từ thiện tại Hà Nội, còn tính đến phương án huỷ chuyến cứu trợ vì lo lắng cho an toàn của các thành viên trong đoàn. "Mọi người liên tục 'tag' mình vào các bài viết về siêu bão cấp 17 và hỏi phải làm gì tiếp theo khiến mọi thứ rối tung lên", Minh Anh nói.

Tin giả về siêu bão cấp 17 được một fanpage lớn trên Facebook đăng tải, thu hút hơn 15 nghìn lượt chia sẻ sau bốn giờ.

Trong hai ngày 19 và 20/10, đoạn tin giả trên được chia sẻ khắp các hội nhóm trên Facebook buộc Trung tâm dự báo khi tượng thuỷ văn Quốc gia phải lên tiếng. Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bác bỏ nội dung gây hoang mang trên và nhấn mạnh thông tin bão số 8 mạnh lên thành siêu bão cấp 17 là sai sự thật.

"Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cũng như các nước khác không có dự báo như vậy. Bản tin cụ thể của Nhật Bản phát lúc 4h ngày 20/10 nhận định cường độ bão Saudel mạnh nhất lên tới 60 kts, tương đương cấp 11", ông Năng cho biết.

Trang web của JMA, cập nhật đến ngày 21/10, cũng không có thông tin về siêu bão cấp 17. Hình ảnh dùng trong đoạn tin giả về bão Saudel là của siêu bão Soudelor năm 2015.

Sau khi cơ quan chức năng xác nhận thông tin. Các hội nhóm lớn trên Facebook đã chủ động gỡ tin giả này, tuy nhiên, nội dung vẫn được chia sẻ bởi một số người dùng.

Tin giả về "bà mẹ ôm con" dưới lớp bùn lan truyền nhiều trên Facebook trong ngày 201/0.

Tương tự, hình ảnh người mẹ ôm con bị bùn vùi lấp ở thôn Húc, Hương Hóa, Quảng Trị cũng là tin giả. Hình ảnh này từ một trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc diễn ra ngày 30/8/2008. Bên góc phải tấm hình là dòng chữ tiếng Trung, nhưng nhiều người vẫn bị lừa và chia sẻ khắp mạng xã hội.

Đại diện Facebook Việt Nam chưa đưa ra phản hồi gì về loạt tin giả trên.

Gần đây, Facebook đang phải đối mặt với vấn nạn tin giả ngày một nặng nề.

Để hạn chế tình trạng tin tức độc hại trong bối cảnh Covid-19, tháng 3, mạng xã hội này đã đưa ra 10 lời khuyên giúp người dùng tự phân biệt tin giả, như xem xét kỹ tiêu đề, kiểm tra đường link, rà soát bằng chứng, đối chiếu với các nguồn tin chính thống...

Đến tháng 9, họ tăng cường truy quét nội dung trong các hội nhóm bằng việc huy động 15.000 người tham gia, kết hợp các công cụ dùng AI. Để chống lại thông tin sai lệch, Facebook cũng áp dụng phương pháp "xoá, giảm thông báo" trong các hội nhóm. Theo đó, nếu quản trị và thành viên nhóm liên tục đăng các nội dung vi phạm quy tắc, hội hoặc nhóm đó sẽ bị xoá bỏ.

Những thông tin bị báo cáo là sai sự thật sẽ không được đề xuất cho người dùng khác. Ngoài ra, Facebook cũng sẽ dán nhãn những nội dung đã được kiểm chứng, báo cáo. Trước khi chia sẻ một bài viết, người dùng sẽ được thông báo rằng nội dung này có thể không đúng sự thật.

Tuy nhiên, việc này không giúp hạn chế được hoàn toàn vấn nạn thông tin sai sự thật. Facebook vẫn phải dựa vào báo cáo của người dùng. Ngoài ra, đội ngũ kiểm duyệt còn quá mỏng so với lượng nội dung được đăng tải trên mạng xã hội này hàng ngày, nên họ không thể quét xuể.

Một số tổ chức quốc tế, như WHO, đã phải chủ động dùng các nền tảng mạng xã hội khác, như TikTok, để cập nhật tin tức, bác bỏ tin không đúng. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra mức phạt tiền và xử lý hình sự với những người lan truyền tin giả. Cụ thể, khoản 3 điều 4, điểm a khoản 1 và khoản 3 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, người chia sẻ thông tin giả mạo lên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Với tổ chức có vi phạm, mức phạt tăng thành 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài tiền phạt, trường hợp vi phạm phải gỡ thông tin giả mạo. Trường hợp phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại từ 500 triệu đồng... sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến một tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Hồi đầu năm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu Facebook, Google phải ngăn chặn, gỡ video, bài cùng các tài khoản đăng sai sự thật về dịch nCoV.

Trong một bài xã luận đăng trên The Washington Post, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, thừa nhận không thể loại trừ thông tin độc hại trên mạng xã hội. Ông nhấn mạnh rằng Facebook là công ty mạng xã hội, không phải là đơn vị phán xét nội dung thật giả. Ông đề xuất phải có khung pháp lý toàn cầu về quản lý Internet.

Theo VnExpress

Theo https://vnexpress.net/tin-gia-ve-bao-lu-mien-trung-lan-truyen-khap-facebook-4179960.html