|
Toàn cảnh hội nghị (Nguồn: SBV) |
Theo NHNN, tính đến ngày 24/9/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tổng phương diện thanh toán (M2) đã tăng lần lượt là 8,64% và 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo.
Chia sẻ tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cho biết tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.
Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội,...cũng được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt.
Ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
Liên quan đến tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có các dự án BOT. Tuy nhiên, các NHTM cũng phải tính toán đảm bảo an toàn vốn cho hoạt động ngân hàng, trong đó có hệ số an toàn vốn (CAR).
Thời gian vừa qua, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao.
Theo đánh giá của NHNN, các dự án BOT, BT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhu cầu vốn vay lớn. Do đó, việc cho vay các dự án BOT, BT giao thông gây áp lực lớn cho các ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn, vì nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.
“Hiện tổng dư nợ và cam kết tín dụng cho các dự án BOT, BT đã chạm giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, thì rất khó khơi thông nguồn vốn vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Nguồn cung tín dụng cho lĩnh vực này được dự báo còn khó khăn hơn khi theo quy định của NHNN, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm còn 40% từ ngày 1/1/2018.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc làm rõ các chính sách liên quan đến các dự án BOT, BT để hạn chế rủi ro.
|
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị (Nguồn: SBV)
|
Về việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.
Trong khi đó, việc triển khai Chuẩn mực vốn Basel II sẽ tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Theo NHNN, đến nay, cơ quan này đã có quyết định chấp thuận đối với 11 NHTM được áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN trước thời hạn (thời hạn theo quy định tại Thông tư này là 01/01/2020).
Trong những tháng cuối năm 2019, NHNN sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ (CSTT).
Bên cạnh đó, NHNN sẽ điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện thuận lợi./.