|
Họp Bộ Giao thông vận tải chiều ngày 18/11/2015 |
Trong cuộc họp chiều 18/11 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, việc cổ phần hóa ACV rất quan trọng không chỉ đối với ngành mà còn cả nước vì đây là lĩnh vực đặc thù, và ACV là doanh nghiệp trong nước duy nhất trong lĩnh vực này.
Độc quyền ngành dịch vụ hàng không
Sau 4 năm sáp nhập 3 tổng công ty ngành hàng không thành 1 tổng công ty cảng hàng không Việt Nam ACV, kết quả đã phát huy được cái tích cực với việc đầu tư được rất nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật, nhiều sân bay mới, nhiều cảng được xây dựng, cải tạo. Đồng thời, việc này đã cân đối được hài hòa nguồn lực đầu tư cho các sân bay trung tâm cũng như các sân bay lẻ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thăng, hạn chế đang gặp phải là tình trạng độc quyền. Việc chỉ có ACV hoạt động trong lĩnh vực này dẫn đến việc không tạo được thị trường bình đẳng trong kinh doanh dịch vụ hàng không, năng suất lao động sẽ thấp, năng lực cạnh tranh không cao.
Việc Chính chủ cho phép cổ phần hóa sẽ giúp cho hoạt động ngành hàng không mặc dù vẫn chỉ là 1 tổng công ty nhưng sẽ bớt sự độc quyền. Hoạt động của ACV dưới hình thức công ty cổ phần sẽ tốt hơn.
“Việc của chúng ta bây giờ là chọn cổ đông chiến lược có năng lực về quản trị doanh nghiệp, năng lực về tài chính, công nghệ để giúp ACV sớm tiếp cận với việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển. Đồng thời, phải chọn được nhà đầu tư cam kết lâu dài”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 10 năm
Bộ trưởng Thăng cũng đã đưa ra các thông số về tiềm năng của thị trường dịch vụ hàng không trong nước. Trong khi tăng trưởng dịch vụ hàng không của thế giới chỉ là 1 con số thì tăng trưởng của Việt Nam năm nay dự kiến là 22%. Hơn nữa, các nước phát triển sử dụng dịch vụ hàng không khoảng 2,5 đến 3 lần dân số. Còn Việt Nam của chúng ta mới là 1,3 lần.
“Bởi vậy, tiềm năng thị trường của chúng ta còn quá lớn”, ông nhận xét.
Về việc tìm nhà đầu tư cho việc cổ phần hóa Tổng công ty ACV, Bộ trưởng cũng chỉ đạo: “Khi chuyển nhượng ưu tiên cho ACV trước, cho các nhà đầu tư trong nước rồi mới ưu tiên đến nhà đầu tư nước ngoài”.
Ông cũng đề nghị triển khai sớm để ACV thực hiện. Đây là lần đầu tiên Bộ làm cổ phần hóa với loại hình kinh doanh cảng hàng không này nên Bộ cần rất thận trọng. Tuy nhiên, việc chọn được nhà đầu tư chiến lược cần làm sớm, làm nhanh nhưng mà phải đúng pháp luật.
Bộ cũng dự kiến các nhà đầu tư chiến lược được chọn sẽ hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu là 10 năm để đảm bảo thời gian đầu tư là dài hạn, đóng góp vào việc phát triển của ACV.
Ông Thăng cũng ví von, việc chọn nhà đầu tư chiến lược cho ACV cũng giống như chọn người kết hôn, nên chọn “môn đăng hộ đối” về công nghệ, về tài chính để từ đó nâng cao năng lực về quản trị doanh nghiệp để phát triển ACV, vì “cưới” rồi không phải nói bỏ là có thể bỏ. Chúng ta muốn dựa vào người ta phải chọn được “người tốt”, lấy phải người “ấm ớ” là chết.
“Chúng ta thống nhất cao về việc phê duyệt cổ phần hóa và cần khẩn trương ban hành phê duyệt tiêu chí cổ đông chiến lược để ACV đi tìm. Gần đây, ngày 6/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1710/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV và sẽ triển khai bán cổ phần của ACV lần đầu vào ngày 10/12 tới đây”, Bộ trưởng Thăng kết luận.
Theo Bizlive