Tik Tok – quả bom mềm hẹn giờ của Trung Quốc trong phòng khách của Hoa Kỳ?

VietTimes – Mặc dù các video Tik Tok với những thanh niên nhảy múa có vẻ lành tính, nhưng ở Mỹ ngày càng có nhiều người lo ngại ứng dụng này có thể là một “con ngựa thành Troi” để Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động do thám.
Tik Tok có tốc độ phát triển người dùng rất nhanh (ảnh: SCMP)

Phát triển thần tốc

Virus Corona là một yếu tố góp phần thúc đẩy sự phổ biến đáng kinh ngạc của ứng dụng Tik Tok. Hiện ứng dụng này có 800 triệu người dùng, nhưng có ít người Mỹ biết rằng nó thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance.

Tik Tok đã phát triển mạnh kể từ khi ra mắt vào năm 2016. Trong số 800 triệu người dùng hàng tháng, có 300 triệu người ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Ấn Độ 120 triệu và Hoa Kỳ 37 triệu người. Đa phần những người sử dụng Tik Tok là thanh thiếu niên.

Đây là ứng dụng đầu tiên của Trung Quốc tạo ra thách thức thực sự đến “người khổng lồ” Facebook và Instagram. Nó được xem là một thứ vũ khí mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, một thứ tăng cường sức mạnh mềm cho Trung Quốc.

Tik Tok đã tăng trưởng rất mạnh trong năm 2019. Các nhà phân tích dự đoán tốc độ sẽ chậm lại một chút trong năm nay. Nhưng dường như virus Corona lại đang mang lại một cú hích mới, thu hút những người bên ngoài lứa tuổi thanh thiếu niên.

Khi nỗi sợ hãi về đại dịch gia tăng và hàng triệu người phải ngồi nhà, người ta bắt đầu tìm đến những ứng dụng như Tik Tok để giải trí. Những nhân vật nổi tiếng của Hollywood như Jennifer Lopez, 50 tuổi, đã đăng tải video ca hát, nhảy múa trên Tik Tok và sau đó chia sẻ sang các nền tảng mạng xã hội khác.

Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi cuối tháng 2 cũng đã tham gia Tik Tok để đăng tải những video khuyến cáo mọi người bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mối lo ngại của Hoa Kỳ

Tik Tok trên chợ Google Play (ảnh: SCMP)

Những người ủng hộ quyền riêng tư và một số nghệ sĩ Hoa Kỳ muốn thẩm tra Tik Tok vì lo ngại nó có thể là vũ khí do thám của chính phủ Trung Quốc, hoặc có thể được sử dụng để phát tán thông tin sai lệch hoặc can thiệp vào bầu cử. Thực tế thì Tik Tok đặt máy chủ ở bên ngoài Trung Quốc và cam kết rằng họ sẽ không bàn giao dữ liệu người dùng cho Bắc Kinh.

Liệu Tik Tok là nỗi sợ hãi hay nó là động cơ chính trị và triệt tiêu cạnh tranh của chính quyền Mỹ?

Những nhà tư tưởng như Yuval Noah Harari cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 có thể là một bước ngoặt để Tik Tok trở thành một ứng dụng phổ biến nhất thế giới và từ đó cũng tạo ra nguy cơ giám sát hàng loạt.

Nhưng Eric Harwit, Giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii lại không cho rằng Tik Tok là một nguy cơ khi 60% người dùng ở Mỹ có độ tuổi từ 16-24.

“ByteDance đã thực hiện khá tốt khi đặt một tường lửa giữa Tik Tok và phiên bản tiếng Trung (Douyin). Hơn nữa, nhiều người dùng ở Mỹ là thanh thiếu niên và họ không phải là một nguồn thông tin an ninh quốc gia đáng để thu thập”.

“Vì vậy tôi cho rằng sự lo ngại (của chính phủ) bắt nguồn từ nỗi sợ hãi chung về bất kỳ ứng dụng viễn thông nào của Trung Quốc trong khi trên thực tế chúng không thu thập thông tin tình báo có giá trị của Hoa Kỳ”

“Chính Facebook và các công ty Mỹ khác cũng có những sản phẩm tương tự. Các quan chức chính phủ sẽ luôn muốn bảo vệ lợi ích thương mại của Hoa Kỳ”, giáo sư Eric Harwit nói.

Nhưng cô Sarah Cook, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Freedom House (một tổ chức nghiên cứu được chính phủ Mỹ tài trợ), không đồng tình với nhận định trên.

“Các quan chức Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng kiểm duyệt và thao túng thông tin vượt ra ngoài biên giới của họ. Chẳng hạn về quy mô dịch Corona ở Vũ Hán, lúc đầu họ đã kiểm soát thông tin, giấu dịch khiến cho tình hình trở nên trầm trọng”, cô nói.

“Đối với những người cho rằng kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc chỉ là vấn đề của người dân Trung Quốc, đại dịch Covid-19 cho thấy nhận định này là không đúng. Ngay cả khi điều này chưa xảy ra với Tik Tok, thì các công ty Trung Quốc vẫn được chính phủ Trung Quốc coi là của họ, cho dù các công ty đó có muốn hay không”, cô Sarah khẳng định.

“Tôi không nói rằng chúng ta cần phải chặn hoàn toàn Tik Tok”, cô Sarah nói tiếp. “Chúng ta cần phải xem xét ứng dụng này ở góc độ dân chủ và quyết định sự giám sát hợp lý để bảo vệ người dùng và luồng thông tin”.

Tuy nhiên, khi nói đến việc mở rộng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, cả ông Cook và Harvit đều không tin ứng dụng này sẽ đem lại hiệu quả. Hầu hết mọi người Mỹ đều không biết ứng dụng này có nguồn gốc Trung Quốc vì thế trải nghiệm người dùng sẽ không phản ánh văn hóa Trung Quốc và nó sẽ không tạo ra thứ quyền lực mềm giống như nền âm nhạc K-pop của Hàn Quốc.

Thậm chí Tik Tok còn góp phần quảng bá văn hóa học theo phương Tây giống nhiều ứng dụng mạng xã hội phổ biến khác.

Ông Morten Bay, một giảng viên về truyền thông xã hội và kỹ thuật số tại Trường Truyền thông và Báo chí, Đại học Nam California nhận xét:

“Một nền văn hóa bán phương Tây với những biến thể nhỏ của văn hóa địa phương đang trở thành chuẩn mực trên các phương tiện truyền thông xã hội. Sức mạnh mềm của Trung Quốc rất khó để khẳng định vì không có sự khác biệt về giá trị”.

Ngay cả khi các công ty Trung Quốc tiếp tục xâm chiếm thị trường phương Tây, ông Morten Bay vẫn nghi ngờ về khả năng của Trung Quốc trong việc tận dụng sức mạnh mềm đó theo ý nghĩa “địa chính trị”.

“Có một bộ máy rất lớn chống lại Trung Quốc trong vấn đề đó. Ngay khi Tik Tok bắt đầu đặt được sức hút tại Mỹ, mọi người đã chống lại nó, nêu vấn đề về quyền riêng tư và địa chính trị”, ông Morten Bay nói.

“Trung Quốc luôn đối mặt với rất nhiều sự kháng cự và tôi không chắc rằng một nền tảng truyền thông xã hội như Tik Tok có thể làm được nhiều điều”, ông Morten kết luận.

Chiến dịch #KaunsiBadiBaatHai trên TikTok nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề an toàn của phụ nữ ở Ấn Độ (ảnh: SCMP)

Nhưng nếu cần phải đầu tư vào một con ngựa trong cuộc đua, thì Tik Tok chính là con ngựa đó – theo cô Zhang Mengmeng.

Khi cô và các đồng nghiệp từ công ty phân tích CounterPoint Research đến thăm trụ sở Tik Tok, họ đã rất ấn tượng với khả năng nghiên cứu và phát triển của hãng.

Vì Tik Tok là một công ty rất trẻ, tốc độ ươm tạo các dự án mới của họ nhanh hơn nhiều so với các công ty Internet thành công nhưng lâu đời của Trung Quốc (tồn tại từ 15 đến 20 năm).

Họ có rất nhiều dự án khởi nghiệp nhỏ trong nội bộ công ty và cơ cấu tổ chức của họ thường rất tiến bộ - không quan trọng bạn bao nhiêu tuổi, nếu bạn có ý tưởng tốt bạn sẽ được thăng tiến rất nhanh.

Sự trỗi dậy của Tik Tok cũng là biểu tượng của sự đảo ngược vai trò rộng hơn trong chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung, cô Zhang tin là như vậy.

Trước đây Hoa Kỳ tiến bộ hơn trong phát triển Internet và Trung Quốc dường như chỉ sao chép các ý tưởng. Bây giờ điều này đang đảo ngược. Có rất nhiều người Trung Quốc sử dụng Internet và các công ty khởi nghiệp ở đó có thể thử nghiệm ý tưởng rất dễ dàng.

Vì vậy bây giờ có vẻ như rất nhiều công ty Mỹ đang cố gắng học hỏi những ý tưởng từ Trung Quốc mà sự phát triển của Tik Tok là một ví dụ.

Theo South China Morning Post