Tiêu tiền trực tuyến lên ngôi

Trung Quốc đang trải qua cơn bùng nổ fintech gần đây, với các công ty top đầu thống trị ngành này. Không phải tình cờ mà công ty con Ant Financial và Tencent của Alibaba lũng đoạn mảng thanh toán kỹ thuật số, hoặc Yirendai và Lufax là những tên tuổi lớn trong mảng cho vay trực tuyến. Tất cả thu hút lượng lớn đầu tư, mở rộng sang lĩnh vực có nhu cầu cao và đa dạng hóa thành công bên ngoài lĩnh vực cốt lõi. 
Nhu cầu thanh toán kỹ thuật số của người tiêu dùng Trung Quốc rất lớn.

Ant Financial chưa niêm yết nhưng nhận được đầu tư vòng Series C 14 tỉ đô la Mỹ hồi tháng sáu. Trong khi WeChat Pay của Tencent không phải là công ty con, tiếp tục nhận vốn từ Tencent. Tencent có cổ phiếu tại sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong, kể cả sau đợt giảm gần đây, tăng gấp 100 lần kể từ khi IPO vào năm 2004. Vốn hóa thị trường đạt 577 tỉ đô la Mỹ trong tháng một. Công ty cho vay ngang hàng (P2P) Yirendai của Creditease cũng niêm yết trên Nasdaq với thị giá là 1,2 tỉ đô la Mỹ. Lufax của Ping An hoãn niêm yết tại Hong Kong nhưng đang nhắm vào khoản đầu tư trị giá hai tỉ đô la Mỹ. Tất cả các công ty này đều nhiều vốn, theo nhiều nguồn tin, ngay cả khi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn đã chậm lại. Điều này có nghĩa dù nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, các công ty vẫn có đường để tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tiền. Các công ty này thành công khi đáp ứng nhu cầu dốn nén từ lâu đối với dịch vụ fintech. Với Alipay của Ant Financial và WeChat Pay của Tencent, nhu cầu thanh toán kỹ thuật số rất lớn, vì người tiêu dùng Trung Quốc yêu cầu giao dịch nhanh và an toàn hơn. Cả hai ứng dụng đều có tính năng có lợi khác. Với Alipay, người dùng nhận khoản vay của người tiêu dùng hoặc người bán, loại tín dụng thường không có khi qua ngân hàng. Alipay có thể được sử dụng mua hàng trực tiếp hoặc trực tuyến, đặc biệt trên trang Alibaba. WeChat Pay cho người dùng WeChat khả năng chuyển tiền cho nhau ngay cả khi không có tài khoản ngân hàng. WeChat Pay cũng được sử dụng trực tiếp và trực tuyến, chẳng hạn như mua hàng do WeChat giới thiệu.

Các nhà quản lý Trung Quốc ngày càng lo ngại về rủi ro đối với hệ thống tài chính, áp đặt các hàng rào, làm hạn chế doanh thu của các công ty đó và tốc độ mở rộng. Ví dụ, cả Alipay và WeChat Pay được yêu cầu xử lý thanh toán thông qua tài khoản thanh toán bù trừ trung tâm, và các khoản thanh toán họ nhận được phải được gửi tại ngân hàng thương mại trong tài khoản không có lãi. Trước đây, họ tạo ra thu nhập lãi từ thanh toán mà họ đang nắm giữ trong tài khoản ký quỹ của chính họ. Yirendai và Lufax cũng thành công khi lấp đầy khoảng cách về nhu cầu. Người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ khó vay vốn từ khối tài chính chính thức. Họ phải vay từ thị trường bên ngoài với lãi suất rất cao. Với sự ra đời của các công ty cho vay P2P, người vay nhỏ với ít hoặc không có tài sản thế chấp có thể đi vay lần đầu tiên.

Lĩnh vực cho vay P2P đang trải qua tái cơ cấu về quy định, các công ty rủi ro hơn với các mô hình kinh doanh kiểu Ponzi bị đóng cửa. Các công ty lớn hơn, như Yirendai và Lufax, đã thể hiện tuân thủ quy định mới, trong đó yêu cầu mở tài khoản tạm giám hộ cho nguồn vốn và đăng ký công ty. Cuộc tái cơ cấu có thể sẽ loại bỏ một số bên cho vay có liên quan đến các công ty nhỏ hơn, nhưng sẽ không thể loại bỏ nhu cầu vay vốn cao của các khách hàng vay nhỏ. Những người đi vay có thể chuyển sang các công ty như Yirendai và Lufax.

Cuối cùng, các công ty này đều đa dạng hóa ra lĩnh vực cốt lõi sang lĩnh vực bổ sung giúp tăng giá trị hoạt động chính. Ant Financial có Alipay và cũng cung cấp sản phẩm quản lý tài sản Yu’e Bao, trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới, thu hút khách hàng tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn so với những tài khoản tiết kiệm thông thường. Sự kết hợp giữa Alipay và Yu’e Bao giúp Ant Financial hút khách đến với các dịch vụ tài chính giúp vừa chi tiêu vừa tiết kiệm. Tencent bổ sung nội dung kỹ thuật số và gói thành viên bán thông qua WeChat. Yirendai và Lufax đều cung cấp sản phẩm quản lý tài sản ngoài khoản vay, cho nhà đầu tư Trung Quốc thêm nhiều lựa chọn cất tiền.

Theo Forbes Vietnam

https://forbesvietnam.com.vn/kinh-doanh/tieu-tien-truc-tuyen-len-ngoi-4617.html

Theo Forbes Vietnam