|
Ảnh minh họa |
Năm 2007, liên Bộ Y tế và Tài chính cho ra đời Thông tư số 10 “hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế”. Thông tư này quy định “Giá thuốc trúng thầu không được cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu và không vượt quá giá tối đa hiện hành của từng mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế”. Từ quy định này, các Sở Y tế đã thực hiện đấu thầu thuốc miễn kết quả trúng thầu thấp hơn giá trị gói thầu.
Trong 2 năm thực hiện đấu thầu theo thông tư trên, Sở Y tế Long An đã đẩy giá trị chênh lệch lên hơn 23 tỷ đồng. Kết quả từ Kiểm toán Nhà nước cho thấy trong đợt đấu thầu thuốc 2010- 2011 có 644 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch được duyệt với hơn 23 tỷ đồng. Mới đây, ông Lê Thanh Liêm- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An có công văn gửi cơ quan chức năng cho rằng họ làm đúng theo Thông tư số 10. Theo ông Liêm hướng dẫn trên là giá thuốc trúng thầu không phụ thuộc vào giá kế hoạch của từng mặt hàng, mà chỉ phụ thuộc vào giá kế hoạch của gói thầu, tức đấu làm sao miễn kết quả trúng thầu phải thấp hơn giá trị gói thầu.
Lỗ hổng nữa trong thông tư này khiến ngân sách thất thoát hàng chục tỷ đồng là thiếu bảng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật, định nghĩa giá trúng thầu không rõ ràng... Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong đấu thầu thuốc tại TPHCM khi yêu cầu phải truy thu số tiền 143 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch từ các gói thầu thuốc theo thông tư này cũng lên đến hàng chục tỷ ở Đồng Nai và Tây Ninh. Đến năm 2012, liên Bộ Y tế và Tài chính tiếp tục cho ra đời Thông tư 01, với mục đích bịt các lỗ hổng mà thông tư trước để lại. Bộ Y tế cũng cho ra đời Thông tư 11 hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, những lỗ hổng không được bịt mà còn phát sinh nhiều kẽ hở mới khiến không ít công ty dược tạo nên nhóm lợi ích thao túng trong đấu thầu. Cả hai thông tư mới ra đời không quy định về hàm lượng thuốc nên các công ty dược sản xuất thuốc hàm lượng bất kỳ. Đây là kẽ hở khiến không ít công ty dược trúng thầu “khủng” bởi họ được thông tư “tạo cơ hội” chơi “một mình một chợ” trong đấu thầu. Lời khủng hơn là các thuốc hàm lượng bất thường này lại trúng thầu với giá cao gấp từ 2-5 lần so với thuốc cùng loại có hàm lượng thông thường.
Chất lượng thuốc đang được đặt ra sau khi tình trạng thuốc giá rẻ của các nước trúng thầu nhiều vào Việt Nam. Ảnh: L.N.
Doanh nghiệp nội ra rìa
“Nhờ thông tư mới sửa thông tư cũ” này ra đời, cuộc đua đấu thầu của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước và thuốc ngoại trong mấy năm qua luôn không cân sức. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất trong nước có nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO và EU đều ngậm quả đắng khi Thông tư 01 không quy định cụ thể về nguồn gốc nguyên liệu, công nghệ bào chế, tá dược nên có sự đánh đồng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội TPHCM từng đặt ra vấn đề “thuốc giá rẻ trúng thầu chưa chắc chất lượng tốt”. Cái lý để bà Lan đặt ra là cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất nhưng nếu nguyên liệu nhập khẩu châu Âu sẽ có chất lượng khác với nguyên liệu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Hay đều là nhà máy dược đạt GMP-WHO nhưng công nghệ bào chế tiêu chuẩn châu Âu và Nhật Bản sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng khác nhau. Tuy nhiên, vì đánh đồng nên tất cả các loại thuốc sản xuất cùng hệ thống nhà máy đạt chuẩn, đạt thầu ở vòng kỹ thuật nhưng sau đó vào vòng đấu giá đều rơi rụng vì giá không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, Pakistan hay Ấn Độ...
Ông Nguyễn H.M. giám đốc một công ty dược lớn trong nước lấy ví dụ nguyên liệu Cefoperazon nhập từ Thụy Sĩ với giá hơn 360 USD/kg, trong khi từ Trung Quốc chỉ 200 USD/kg; nguyên liệu Ceftazidim mua từ Pháp có giá từ 500 đến 550 USD/kg nhưng nhập từ Trung Quốc giá 150 USD/kg hay Cefixim nhập từ Ý giá 360 USD/kg trong khi nguyên liệu này từ Ấn Độ giá chỉ 170 USD/kg... “Đặt vấn đề liệu đã chọn được thuốc chất lượng hay chưa khi đấu thầu là có cơ sở”- ông M. nói.
Sau khi tạo ra một cơ chế giúp các nhóm doanh nghiệp thuốc “no nê” với những kẽ hở, cuối năm 2013 liên Bộ Y tế và Tài chính tiếp tục cho ra đời Thông tư 36, sửa đổi bổ sung một số “khiếm khuyết” từ “đứa em” Thông tư 01. Ngoài tách riêng các nhóm thuốc, cái mới là lần đấu thầu này có 2 túi hồ sơ. Hội đồng thầu sẽ bóc túi hồ sơ kỹ thuật trước và nếu thuốc đạt tiêu chuẩn mới cho vào vòng sau tiếp tục bóc túi hồ sơ tài chính. Khi đó, đơn vị nào giá thấp hơn thì chọn. Vì vậy, muốn trúng thầu phải vượt qua hàng rào kỹ thuật trước nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị chứ không phải cứ giá rẻ nhất là chọn như Thông tư 01.
Trả lời báo chí về những bất cập trong đấu thầu thuốc, theo PGS Phạm Khánh Phong Lan, Thông tư 01 đã không thể phân loại được các loại thuốc vì tất cả các loại thuốc đều dễ dàng đạt điểm thang điểm kỹ thuật để vào vòng đấu giá.
Theo đó, trong vòng kỹ thuật tất cả các thuốc phải vượt qua vòng 70 điểm mới đến vòng đấu giá. Tuy nhiên, để đạt được 70 điểm thì loại thuốc nào cũng đạt được nên khó phân biệt giữa loại thuốc có kỹ thuật cao với thuốc có kỹ thuật trung bình, giữa hàng tốt và hàng chấp nhận được. Khi đã vượt qua hàng rào kỹ thuật, lợi thế chiến thắng chỉ còn phụ thuộc vào giá mặt hàng thuốc. Trong khi đó, giá thuốc cao hay thấp lại có liên quan mật thiết đến chất lượng thuốc.
Theo Tiền Phong