Tiết lộ bí mật máy bay do thám U2 của Mỹ: Số phận một con 'rồng'

Giữa năm 1965, lần đầu tiên chiếc U2E số hiệu 374 do phi công Steve Heyser cầm lái chụp được những bệ phóng tên lửa SA2 gần Hà Nội và Hải Phòng. Tiếp theo, nó chụp được hình ảnh bay tiêm kích MiG 21 nằm cạnh mấy chiếc MiG 19 tại Thanh Hóa.
Máy bay U2 tại sân bay Biên Hòa.
Máy bay U2 tại sân bay Biên Hòa.

Từ lúc ấy, phi công lái U2 được lệnh phải bay ở độ cao từ 22 đến 25km khi vào vùng trời Bắc Việt Nam, đồng thời được cung cấp bản đồ ghi lại những địa điểm bố trí tên lửa SA2 để tính toán đường bay nhằm tránh bị bắn hạ.

1. Khi chiếc U2 rơi rụng trên không phận Liên Xô rồi sau đó là 2 chiếc rơi ở Trung Quốc - trong lúc các nhu cầu về thông tin tình báo liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc tăng lên - đồng thời Lực lượng Phòng không, Không quân Trung Quốc cũng được Liên Xô viện trợ thêm nhiều tên lửa SA2 và hệ thống rađa cảnh báo sớm nên qua việc phân tích những nhược điểm kỹ thuật, CIA yêu cầu Hãng Lockheed phải cải tiến lại một số trang bị cho máy bay U2 mà cụ thể là nó được Lockheed tái bổ sung nhiều thứ "đồ chơi", bao gồm rađa thăm dò XII, hệ thống gây nhiễu rađa đối phương XIII, thiết bị phát hiện tên lửa FS vì họ tin rằng Hà Nội có thể cũng đã có những loại vũ khí giống như Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ngoài máy chụp ảnh dùng phim ướt, U2E còn được lắp đặt máy chụp ảnh quang điện và rađa ảnh Raytheon ASARS-2 có thể chụp rõ một vật kích thước chỉ 0,3m dưới mặt đất. Chưa kể U2E có thêm tính năng tiếp nhận nhiên liệu trên không, mở rộng tầm bay xa 15.000km.

Ngày 31/12/1963, Tổng thống Johnson quyết định chuyển một phần những phi vụ do thám Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam đến căn cứ xuất phát là sân bay Biên Hòa với 3 máy bay U2E, số hiệu 347, 370 và 374.

Ngày 5/3/1964, trong một kế hoạch được đặt tên là Operation Location 20, 3 chiếc U2E do các phi công Chuck Stratton, Jerry Mcllmoyle và Steve Heyser thuộc Phi đội trinh sát chiến lược 4080 từ căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa bay đến sân bay Clark, Philippines rồi từ căn cứ Clark, họ hạ cánh xuống sân bay Biên Hòa cùng với các máy bay DC130 làm nhiệm vụ tiếp dầu trên không.

Mật danh của 4080 là "Lucky Dragon - Rồng may mắn" còn mật danh của máy bay U2 là "Dragon Lady - Mệnh phụ Rồng". Riêng những máy bay tiếp dầu DC130, được gọi là "Blue Springs - Những con suối xanh".

Trước đó 2 tháng, một nhóm nhân viên kỹ thuật gồm hơn 50 người đã đến Biên Hòa, chuẩn bị cơ sở hậu cần để phục vụ cho những chuyến bay trinh sát. Khu vực đỗ U2 đặt biệt lập ở một nơi, có vòm che rất kín nhằm ngăn chặn những con mắt tò mò. Không một người Việt Nam nào được phép bước vào nơi này, kể cả tư lệnh không quân chính quyền Sài Gòn. Cố vấn Mỹ cũng vậy, họ được khuyến cáo đừng nên lai vãng nếu không có giấy phép đặc biệt của CIA.

Ngày 12/3/1963, chiếc U2E số hiệu 370 do phi công Jerry Mcllmoyle điều khiển thực hiện chuyến bay do thám đầu tiên. Xuất phát từ Biên Hòa nhưng để đánh lạc hướng rađa Trung Quốc đặt ở đảo Hải Nam, cũng như phòng ngừa điệp viên Hà Nội có thể nằm ngay trong sân bay, Jerry Mcllmoyle cho chiếc U2E bay xuống Thái Lan, vòng ra Thái Bình Dương, giả như một máy bay thương mại.

Khi đã đạt đến độ cao 15km, Jerry Mcllmoyle quay lại, chụp ảnh một số điểm nghi vấn ở miền Bắc nước Lào, các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc.

Hôm sau, chiếc U2 số hiệu 347 do Chuck Stratton cầm lái chụp ảnh toàn bộ đường bờ biển miền Bắc Việt Nam cùng phần đất nằm dọc theo biển, vào sâu 50km. Tiếp theo, Chuck Stratton chụp miền Nam nước Lào, một phần lãnh thổ Campuchia. giáp với tỉnh Tây Ninh. Tất cả những cuộn phim chụp được đều chuyển về căn cứ không quân Clark, Philippines để in tráng và nghiên cứu.

Chuck Stratton kể: "Do hoạt động ở độ cao lớn, chúng tôi phải mặc bộ quần áo bay kiểu phi công vũ trụ. Nó cung cấp ôxy và bảo hộ khẩn cấp cho chúng tôi trong trường hợp máy bay ở độ cao trên 8km mà bị mất áp suất khoang lái.

Để ngăn ngừa hiện tượng giảm ôxy máu và giảm khả năng bị ảnh hưởng do giảm áp, 1 tiếng đồng hồ trước khi bay, chúng tôi phải mặc một bộ quần áo điều áp hoàn toàn và thở ôxy 100% để loại bỏ khí nitơ trong máu. Khi di chuyển từ khu vực dành cho phi công ra máy bay, chúng tôi thở bằng một bình ôxy cầm tay".

Tiết lộ bí mật máy bay do thám U2 của Mỹ: Số phận một con 'rồng' ảnh 1
Phù hiệu của Phi đội trinh sát chiến lược 4080.

2. Từ tháng 4/1963, những chuyến bay U2 được Phi đội trinh sát chiến lược 4080 liên tục thực hiện nhằm giám sát bằng hình ảnh các con đường mòn vận chuyển vũ khí, lương thực, đạn dược, xuất phát từ tỉnh Quảng Bình, miền Bắc Việt Nam, đi qua dãy Trường Sơn, vào đất Lào, Campuchia rồi tỏa đến các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam Bộ.

Trên biển, nó ghi lại hình ảnh những chiếc ghe đánh cá hoạt động từ Vĩ tuyến 15 đến Vĩ tuyến 19 với mục đích phát hiện những đoàn tàu không số. Ở cảng Hải Phòng, U2 chụp toàn bộ tàu bè có mặt trong cảng, giám sát các loại tàu đi, tàu đến, nhất là những tàu treo cờ Liên Xô.

Tại căn cứ Clark, Philippines, các chuyên gia phân tích không ảnh ngồi miệt mài trước những kính phóng đại, quan sát từng chi tiết hiện trên đường mòn rồi đánh dấu các mục tiêu nghi ngờ là kho đạn, kho gạo, kho súng, các bãi tập kết xe vận tải, bãi tập kết dân công gùi thồ, các binh trạm, nhằm phục vụ cho việc đánh bom bằng máy bay phản lực B57 sắp được Chính phủ Mỹ điều đến Việt Nam.

Bước sang năm 1964, cùng với vụ tàu Madox xảy ra trong Vịnh Bắc Bộ - là cái cớ để Chính phủ Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược, các phi vụ do thám cũng tăng lên.

Bác sĩ Thomas D. Kent, thuộc Trạm Quân y sân bay Biên Hòa cho biết tinh thần phi công U2 luôn trong trạng thái căng thẳng và có người cần được trị liệu tâm lý: "Mỗi phi vụ, họ phải xoay xở từ 10 đến 12 tiếng trong một buồng lái chật chội. Những hôm thời tiết xấu, phi công đôi khi phải hạ độ cao xuống dưới 6.000 mét để chụp ảnh trong  tâm trạng không lấy gì yên ổn bởi lẽ tấm gương đàn anh Powers bị bắn hạ rồi bị bắt sống vẫn còn sờ sờ ra đấy".

Sau khi hạ cánh, phần lớn phi công U2 lăn ra ngủ để lấy sức cho những chuyến bay kế tiếp. Nếu muốn vào thành phố Biên Hòa hoặc về Sài Gòn chơi bời, họ được nhân viên an ninh yêu cầu phải mặc quần áo dân sự và tuyệt đối không được hé môi về những nhiệm vụ mà họ đang làm.

Thượng sĩ Moore, chuyên viên tháo lắp phim ướt của máy chụp ảnh trên chiếc U2E viết thư cho vợ ở bang Indiana: "Mỗi ngày bọn anh chỉ thật sự bận rộn vài tiếng đồng hồ, thời gian còn lại là nghỉ ngơi, chơi đùa. Thỉnh thoảng mới có một vài quả đạn pháo kích của Victor Charlie (V.C -  tiếng lóng của lính Mỹ để chỉ "Việt Cộng"). Nói chung là an toàn. Nó khiến anh có cảm giác như mình đang tham dự một trại hè hồi trung học…".

Tuy nhiên, cái cảm giác "trại hè" của thượng sĩ Moore đã nhanh chóng tan vỡ. Từ đầu tháng 10/1964, Tỉnh ủy, Thị ủy Biên Hòa đã chỉ đạo một số đơn vị điều nghiên địa hình, phương thức bố phòng của sân bay Biên Hòa để chuẩn bị cho một cuộc tiến công.

Nằm cách Sài Gòn khoảng 25km về phía đông bắc, sân bay Biên Hòa là sân bay quân sự lớn nhất của Mỹ và quân đội Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam. Nó rộng 49 km2, chia thành 6 khu vực, sức chứa tối đa 190 máy bay các loại với 2 đường băng, mỗi đường dài 3.053m.

Thời điểm cuối năm 1964, sân bay có chừng 900 người, cả Mỹ lẫn Việt, gồm phi công, nhân viên kỹ thuật, sĩ quan chỉ huy, dẫn đường, chuyên viên rađa, thông tin liên lạc, xăng dầu, bom đạn, xây dựng kiến tạo… cùng 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo binh, 1 chi đội xe tăng, xe bọc thép và 1 đơn vị quân khuyển với gần 30 con chó làm nhiệm vụ bảo vệ. Hệ thống phòng thủ sân bay bố trí rất kiên cố, gồm nhiều lớp hàng rào kẽm gai rộng gần 1 km cùng vô số bãi mìn và lô cốt xung quanh.

Ban đêm, tuyến phòng thủ này được chiếu sáng bằng các loại đèn pha cực mạnh, chưa kể bên cạnh sân bay là Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH), có 2 tiểu đoàn bộ binh ngày đêm canh gác.

Ấy thế mà chiều 31/10/1964, Lực lượng Quân Giải phóng gồm 1 đại đội súng cối 81mm, 1 khẩu đội DKZ 75mm của chủ lực Miền kết hợp với 1 khẩu đội cối 81mm, 1 trung đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 800 Quân khu miền Đông, 1 đại đội địa phương và du kích huyện Vĩnh Cửu, thị xã Biên Hòa, xuất phát từ Chiến khu Đ, bí mật hành quân đến vị trí tập kết, bố trí trận địa tại Hóc Bà Thức, phía đông bắc sân bay Biên Hòa (nay là phường Tân Phong, TP Biên Hòa).

23h30’ đêm 31/10/1964, pháo của "Victor Charlie" bắn cấp tập vào sân bay rồi sau đó, đặc công đột nhập. Chỉ trong khoảng nửa tiếng, gần 130 quả đạn rơi xuống các mục tiêu, phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57, 11 máy bay AD6, thiêu hủy 2 kho đạn, 1 kho xăng, 1 đài kiểm soát không lưu.

Hơn 200 sĩ quan, binh lính vừa Mỹ, vừa VNCH thương vong (các tài liệu của Quân Giải phóng cho biết trong số máy bay bị phá hủy, có một chiếc U2E nhưng trong hồ sơ "The CIA and Overhead Reconnaissance - The U2 and Oxcart Program 1954 - 1974" vừa được CIA giải mật lại không thấy đề cập đến chi tiết này).

3. Bước sang năm 1965, cùng với việc quân viễn chinh Mỹ đến Việt Nam, tần suất các chuyến bay do thám cũng theo đó tăng lên. Tại sân bay Biên Hòa, cứ mỗi lần có một chiếc U2 hạ cánh là quang cảnh lại y như một đàn kiến xúm vào xâu xé một con sâu.

Ngay khi chiếc U2 vừa dừng lại ở bãi đỗ thì lập tức một nhóm kỹ thuật viên ào tới, người gỡ hộp phim ướt, kẻ tháo bộ lưu dữ liệu rađa để chuyển lên một chiếc C130 đang chờ sẵn, mang về căn cứ Clark, Philippines.

Chưa hết, lúc một chiếc U2 khác chuẩn bị cất cánh thì mọi việc lại được lập lại: Lắp phim, lắp bộ lưu dữ liệu rađa, kiểm tra động cơ, nhiên liệu…

Giữa năm 1965, lần đầu tiên chiếc U2E số hiệu 374 do phi công Steve Heyser cầm lái đã chụp được những bệ phóng tên lửa SA2 bố trí gần Hà Nội và cảng Hải Phòng. Tiếp theo, nó chụp được hình ảnh một máy bay tiêm kích MiG 21 nằm cạnh mấy chiếc MiG 19 tại Thanh Hóa.

Từ lúc ấy, phi công lái U2 được lệnh phải bay ở độ cao từ 22 đến 25km khi vào vùng trời Bắc Việt Nam, đồng thời được cung cấp bản đồ ghi lại những địa điểm bố trí tên lửa SA2 để tính toán đường bay nhằm tránh bị bắn hạ.

Bay trên U2, phần lớn phi công đều bị ám ảnh bởi tên lửa SA2 bởi lẽ vị trí tuyệt đối về độ cao của U2 không còn nữa kể từ lúc Liên Xô chế tạo và hoàn thiện loại tên lửa này.

Tiết lộ bí mật máy bay do thám U2 của Mỹ: Số phận một con 'rồng' ảnh 2
Phi công và chuyên viên kỹ thuật U2 tại sân bay Biên Hòa.

Theo Steve Heyser, mỗi phi công đều được trang bị một túi cứu sinh (U-2 Pilot Survival Kit), bao gồm súng ngắn có ống giảm thanh, dao găm, đá mài, kim khâu, lưỡi câu, thuốc chống côn trùng, la bàn, còi cấp cứu, kính tín hiệu, thuốc lọc nước, thuốc bôi mặt để ngụy trang, thuốc chống cá mập, bộ lọc nước biển thành nước ngọt, radio, pin, đèn pin cùng một khẩu phần ăn đặc biệt, đủ dùng trong 7 ngày.

Steve Heyser nói: "Tuy nhiên, nếu bị bắn và bị buộc phải nhảy ra ngoài từ độ cao 20.000 hay 22.000 mét thì chả có túi cứu sinh nào cứu được".

Ngày 11/2/1966, Phi đội trinh sát chiến lược 4080 chuyển về căn cứ không quân Davis Monthan, bang Arizona, Mỹ. Thay thế nó là Phi đội trinh sát chiến lược 349, còn Phi đội máy bay DC130 Blue Springs tiếp nhiên liệu trên không được thay bằng Phi đội 100.

Ngày 8/10/1966, phi công Leo Stewart thực hiện nhiệm vụ do thám cảng Hải Phòng. Khi vừa vào đến Thanh Hóa, đột nhiên hệ thống rađa FS phát tín hiệu cảnh báo nhưng chưa kịp phản ứng gì thì Leo Stewart cảm thấy có một chấn động rất lớn xảy ra phía dưới máy bay như thể đã có một quả tên lửa phát nổ. Chiếc U2E rung lên bần bật còn hệ thống rađa dẫn đường hầu như mất tác dụng.

Cố gắng cho máy bay vòng ra biển rồi lợi dụng độ cao, Stewart lái chiếc U2 quay mũi về hướng Nam. Khi gần đến sân bay Biên Hòa, biết là không thể điều khiển được nữa, Stewart bấm nút phóng dù thoát ra ngoài, còn chiếc U2  rơi xuống một khu rừng ở Mã Đà, Đồng Nai.

Theo Stewart, máy bay của anh ta bị mảnh tên lửa SA2 đánh trúng nhưng CIA kết luận nó rơi do "những vấn đề cơ học".

Tháng 7/1970, Phi đội trinh sát chiến lược 349 chuyển căn cứ từ Biên Hòa sang Thái Lan rồi được đổi tên là Phi đội trinh sát chiến lược 99.  Nó ở đó tới tháng 3-1976 nhưng từ khi sang Thái Lan đến cuối năm 1974, U2 vẫn tiếp tục các chuyến bay do thám trên không phận Việt Nam…

*Theo “The CIA and Overhead Reconnaissance - The U2 and Oxcart Program 1954 - 1974”.

Theo: An ninh Thế giới