"Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm.” - ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ cho biết.
Để nhanh chóng triển khai dịch vụ này, Cục Kiểm soát TTHC đã tổ chức các cuộc họp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ và VNPT để làm rõ về quy trình nghiệp vụ và phân quyền tham gia trong quá trình thực hiện dịch vụ. Đồng thời, các bên liên quan phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về chứng thực.
Thông báo chính thức trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
|
Về quy trình, sau khi người dân cung cấp bản chính hợp lệ, cơ quan thực hiện chứng thực kiểm tra và sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để nhập lời chứng, ký số, đóng dấu theo thẩm quyền và trả bản gốc. Bản sao này sẽ được lưu trên tài khoản của mình trên kho quản lý dữ liệu điện tử hoặc email trong trường hợp chưa có tài khoản. Người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, chỉ cần dẫn tài liệu từ Kho quản lý dữ liệu điện tử hoặc đăng file đã nhận. Cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra tính chính xác, toàn vẹn qua ứng dụng trên hệ thống.
“Rất nhiều tiện ích thu lại khi triển khai dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng DVCQG" - ông Ngô Hải Phan nhận định.
Cụ thể, bản sao điện tử được chứng thực sẽ có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong hầu hết giao dịch. Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các TTHC đã được cung cấp trên môi trường điện tử, bỏ tình trạng nộp bản sao chứng thực hoặc xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay.
Bên cạnh đó, dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính được dùng chung thống nhất trên Cổng DVCQG, không cần xây dựng, cung cấp dịch vụ trên các hệ thống của bộ, ngành, địa phương, giúp triển khai nhanh và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Từ ngày 1/7 tới, 6 dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp trên Cổng DVCQG bao gồm: (1) Chứng thực bản sao từ bản chính; (2) Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; (3) Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế; (4) Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; (5) Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); (6) Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.