Là người đầu tiên giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Đại học Harvard, góp phần đưa tiếng Việt trở thành thứ ngôn ngữ bình đẳng với 3 thứ tiếng Trung, Nhật, Hàn, Tiến sĩ Ngô Như Bình hết sức khiêm tốn giản dị khi nói rằng đừng gọi ông là Giáo sư, bởi ở Mỹ không có hội đồng chức danh phong phó giáo sư và giáo sư. Chương trình tiếng Việt rất nhỏ, không thể có chức danh “giáo sư” cho người đứng đầu. Hãy gọi ông là Tiến sĩ hay đơn giản là Thầy, như nhiều thế hệ sinh viên vẫn gọi ông mấy chục năm qua, đúng với công việc ông vẫn làm hàng ngày: một hành trình khổ luyện gần 30 năm giảng dạy, đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam vào Đại học Harvard.
Thiệt thòi vì không được học tiếng Việt ở trường
- Được biết ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi tò mò muốn biết về thời thơ ấu của ông, những hạt mầm nào đã được gieo để “kết duyên” ông với ngôn ngữ học?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Tôi được bố mẹ cho đi học trường tiểu học Sainte Marie trong ba năm, cho đến khi trường đóng cửa vào năm 1958. Đây là một trường Thiên Chúa giáo của Pháp có từ lâu đời ở Hà Nội. Ba năm tôi học ở đấy tương đương với nhà trẻ và mẫu giáo bây giờ.
Khi ấy vẫn còn một số bà sơ người Pháp. Các bà sơ người Việt cũng đều nói tiếng Pháp. Trong số học sinh có một số trẻ em người Pháp. Tôi tiếp xúc với các bà sơ, chơi với trẻ em người Pháp, học tiếng Pháp qua con đường truyền khẩu, hoàn toàn không biết viết. Sau này tôi hiểu bố mẹ muốn tôi học tiếng Pháp để dùng được tiếng Pháp là thứ tiếng thông dụng trong gia đình tôi. Tuy thế, ở nhà, bố mẹ tôi nói tiếng Việt với tôi.
Nhà tôi ở phố Hàm Long, chung tường phía sau với Đại sứ quán Pháp. Tôi cũng sang chơi với trẻ con người Pháp bên ấy cho đến khi họ về nước. Trong mấy năm ấy, tôi nói hai thứ tiếng là Việt và Pháp.
- Nghĩa là, tuổi thơ của ông được "tưới" trong tiếng Pháp chứ không phải tiếng Việt?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Gần như vậy, cho đến năm 1958, tôi chuyển sang một trường cấp một của Việt Nam. Khoảng một năm sau, tôi quên hết tiếng Pháp. Phải mười mấy năm sau, tôi mới quay trở lại học tiếng Pháp. Vẫn còn lại một chút ít gì đó trong tiềm thức, trước hết là cách phát âm tiếng Pháp tự nhiên của một đứa trẻ.
Tôi ra sức học lại tiếng Pháp nhằm mục tiêu sử dụng được tiếng Pháp để giao tiếp và tìm hiểu về văn hóa Pháp, văn học Pháp, để sau này thấy văn học Pháp đã tác động quan trọng thế nào đối với việc hình thành nền văn học và thi ca Việt Nam hiện đại trong thập niên 1930 và 1940, qua đó hình thành tiếng Việt hiện đại.
Ảnh chụp trước khu nhà các chương trình dậy tiếng, có tấm biển ghi bốn thứ tiếng theo trình tự ABC. (Ảnh: NVCC)
|
- Ông bắt đầu quan tâm sâu hơn tới tiếng Việt vào thời điểm nào?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Trong suốt thời gian tôi học phổ thông, trước hết là cấp một, một mặt bố tôi muốn tôi đầu tư thời gian vào môn toán, nhưng mặt khác rất chú ý đến môn tập đọc, tức là tiếng Việt. Tôi nhớ bố tôi lấy sách tập đọc của tôi đọc chăm chú rồi kiểm tra bài tập về nhà của tôi.
Khi tôi lớn hơn, bố tôi giải thích rằng bố thiệt thòi vì không bao giờ được học tiếng Việt ở trường. Bố tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Thời ấy, toàn Đông Dương chỉ có năm trường trung học, hai ở Hà Nội, một ở Huế và hai ở Sài Gòn. Vì Sài Gòn là “lãnh thổ của Pháp ở hải ngoại” nên trường ở Sài Gòn không có môn Việt văn. Ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh. Bố tôi luôn nói với tôi rằng càng hiểu tiếng Việt sâu càng thấy tiếng Việt hay.
Bố mẹ tôi luôn khuyến khích tôi cân bằng giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đặc biệt là môn văn. Đôi khi, những lúc có ít phút rảnh rỗi, bố mượn tôi sách giáo khoa (khi ấy gọi là văn tuyển rồi sau đó gọi là trích giảng văn học) đọc kĩ rồi trao đổi với tôi. Cũng phải nói thêm rằng tôi may mắn được bố mẹ dành cho nhiều thời gian trong những năm trước chiến tranh khi tôi đã học đến cấp hai. Tình yêu đối với tiếng Việt, đối với văn học trong tôi cứ lớn dần lên theo thời gian.
- Thưa ông, ngược dòng thời gian một chút, ông có còn nhớ về những năm tháng học tiếng Việt và văn học Việt trong nhà trường phổ thông hay không?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Tôi vẫn nhớ những kỉ niệm thú vị. Chúng tôi được học Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng trong dòng văn học hiện thực phê phán. Thơ thì chỉ có thơ cách mạng. Dòng văn học thi ca lãng mạn với Tự lực văn đoàn, với Thơ mới, chúng tôi không được đọc, chỉ được nghe bị phê phán kịch liệt ở trên lớp.
Đầu năm 1968 tôi đang học lớp 10, trong một lần ở chỗ sơ tán về Hà Nội, tình cờ tôi thấy bà bác tôi có quyển tiểu thuyết Giông tố. Bác tôi bảo tôi im cái mồm, không thì nguy to. Tôi nằn nì xin được đọc trong một đêm vì trưa mai phải quay lại chỗ sơ tán. Cuối cùng, bác tôi xiêu lòng cho tôi mượn. Tôi giữ lời hứa thức suốt đêm đọc xong rồi trả lại bác tôi. Hôm sau tôi trở lại chỗ sơ tán nói riêng với mấy người bạn thân nhất rằng tôi chưa thấy một quyển tiểu thuyết nào hay như Giông tố. Đọc xong, tôi vái Vũ Trọng Phụng vì tài năng xuất chúng của ông.
Sang đến Moskva, tôi mới được đọc một số tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng vẫn bị “lọt lưới” trong thư viện Lênin. Năm 1989 tôi từ Moskva về Việt Nam thăm nhà, thấy Thơ mới, Tự lực văn đoàn và Vũ Trọng Phụng được tái bản – thành quả của Đổi mới trong lĩnh vực văn hóa. Tôi mua tuyển tập tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Một hôm, bố tôi bảo: “Mai con mang sách của ông Phụng vào bệnh viện ba có việc”. Tôi không hiểu có việc gì. Hôm sau tôi vào bệnh viện theo đúng hẹn, thấy bố tôi đang khám mắt cho một người phụ nữ đã đứng tuổi (bố tôi là bác sĩ mắt). Bố tôi giới thiệu với bà thằng con ông rất mê Vũ Trọng Phụng, rồi quay sang nói với tôi: “Đây là chị Vũ Mỵ Hằng, con nhà văn Vũ Trọng Phụng, bệnh nhân của ba”. Tôi liền kể lại cho chị Hằng câu chuyện đọc Giông tố cách đấy hơn hai mươi năm rồi xin chữ kí của chị vào trang đầu của tuyển tập tác phẩm của ông cụ thân sinh ra chị.
Từ cuối năm thứ ba trở đi trong chương trình tiếng Việt bốn năm của tôi tại Đại học Harvard, tôi dùng văn học Việt Nam khai thác tiếng Việt và các vấn đề xã hội. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng luôn có trong chương trình năm thứ tư của tôi, khi thì trích đoạn Giông tố, khi thì trích đoạn Số đỏ đã được dịch ra tiếng Anh, sinh viên đọc toàn bộ tác phẩm qua bản dịch, học trích đoạn rồi xem phim, khi thì một phóng sự của ông.
TS Ngô Như Bình vẫn đều đặn tập luyện đều đặn mỗi tuần bốn buổi tại bể bơi của trường Harvard. (Ảnh: NVCC)
|
Gần 30 năm ở Harvard, tôi khổ luyện cho đến hôm nay
- Cơ duyên nào đưa ông tới Đại học Harvard ạ? Đó hẳn là một câu chuyện thú vị phải không Tiến sĩ?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Vào cuối thập niên 1980, xã hội Liên Xô trở nên cởi mở hơn rất nhiều. Khi ấy, tôi đang giảng dạy tại trường Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Có một số giáo sư Mỹ sang khoa ngữ văn giảng dạy về ngôn ngữ học. Tôi đến nghe các bài giảng của họ bằng tiếng Nga. Một người trong số họ sau khi trao đổi về học thuật với tôi mấy lần gợi ý tôi nộp đơn xin giảng dạy tiếng Việt tại Học viện mùa hè về Đông Nam Á học (Southeast Asian Studies Summer Institute: SEASSI). Tôi nghĩ ở Mỹ có đến cả triệu người Việt, trong đó có những người bằng cấp rất cao, nên thấy hầu như không có cơ hội được tuyển. Nhưng đồng nghiệp (trong đó có các giáo sư người Mỹ), bạn bè động viên tôi. Tôi gửi đơn sang Mỹ.
Ít lâu sau, tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại, đầu dây đằng kia nói tiếng Anh. Tôi nói bằng tiếng Nga rằng tôi không biết tiếng Anh. Người gọi điện cho tôi nói đã xem sơ yếu lí lịch của tôi, biết tôi nói được tiếng Pháp và tiếng Đức, hỏi tôi có thể chuyển sang nói tiếng Đức không.
Chúng tôi nói tiếng Đức với nhau, người ấy giới thiệu là đại diện cho SEASSI đang tuyển người dạy tiếng Việt vào mùa hè 1992. Sau đó, chúng tôi còn nói chuyện điện thoại bằng tiếng Đức mấy lần nữa. Tin tôi được tuyển dạy tiếng Việt tại SEASSI đến thật bất ngờ. Tôi xin nghỉ học kì hai năm học 1991-1992 tại Đại học Lomonosov để sang Mỹ học tiếng Anh trước khi bắt đầu giảng dạy tại SEASSI.
Thời sinh viên, tôi có được học tiếng Anh như ngoại ngữ hai tại Khoa Nga ĐHSPNN Hà Nội, nhưng khi ấy tôi tập trung vào học tiếng Nga, vì tiếng Nga quá khó. Sau này, được học thêm tiếng Đức, trong thời gian sống ở Moskva , ngoài tiếng Nga và tiếng Việt ra, tôi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Đức với bạn bè và đồng nghiệp Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức. Tiếng Anh là con số không, bắt đầu lại từ đầu.
Trong khi đang dạy tại SEASSI, tôi được tin Đại học Harvard tuyển người dạy tiếng Việt. Thế là tôi nộp đơn, lần này tự tin hơn. Tôi được nhận vào giảng dạy tiếng Việt tại Bộ môn Ngôn ngữ và văn minh Đông Á (Department of East Asian Languages and Civilizations: EALC) năm 1992 và ở đây từ ngày ấy cho đến bây giờ.
- Để có thể vững vàng trong môi trường học thuật lớn như Harvard, ông phải làm việc như thế nào? Tôi nghĩ đó là quá trình dài khổ học và khổ luyện, thưa ông?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Vâng, tôi rất thích từ Hán-Việt mà phóng viên dùng là “khổ luyện”. Khổ luyện cho đến ngày hôm nay. Không ngừng phấn đấu vươn lên không chỉ về chuyên môn. Về mặt chuyên môn thì trước hết, yêu cầu đối với một giảng viên là giảng dạy . Cứ cuối mỗi học kì, sinh viên nhận xét, đánh giá, cho điểm giáo viên. Nói chung, họ nhận xét công bằng. Tôi phải rút kinh nghiệm rất nhiều, đặc biệt là thời gian đầu để điều chỉnh, vì tôi chưa bao giờ được đào tạo tại một nước phương Tây.
Sau đó là việc công bố các công trình nghiên cứu. Tôi đã xuất bản trên chục đầu sách và giáo trình dạy tiếng Việt cho người bản ngữ tiếng Anh ở cấp đại học và một giáo trình dạy tiếng Anh-Mỹ cho người bản ngữ tiếng Việt.
Sắp tới, tôi sẽ cho ra mắt quyển sách về ngữ pháp và ngữ âm tiếng Việt đối chiếu với tiếng Anh. Sách vừa mang tính lí thuyết, vừa mang tính thực hành, sẽ được xuất bản ở châu Âu trong năm nay. Rất nhiều người bản ngữ tiếng Anh và người dùng tiếng Anh để học tiếng Việt mong đợi quyển sách này vì chưa có một quyển nào như thế viết bằng tiếng Anh. Sách cũng có thể dùng cho người Việt muốn nâng cao trình độ tiếng Anh, vì trong nhiều trường hợp, tôi xuất phát từ tiếng Anh để cảnh báo những lỗi mà người bản ngữ tiếng Anh thường mắc khi học tiếng Việt.
Việc tham dự và đọc tham luận tại các hội thảo chuyên ngành trong nước Mỹ cũng như quốc tế là một yêu cầu khác. Tại cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học và Đài Loan học tổ chức tại Đại học Thành Công ở Đài Loan tháng 11 năm 2019, tôi đọc hai báo cáo tham luận và một bài bình luận về báo cáo của một đồng nghiệp về lí thuyết ngữ nghĩa học. Các báo cáo khoa học của tôi trong mấy chục năm vừa rồi đều được công bố.
Để có thể làm được những việc ấy, tôi phải liên tục nâng cao trình độ cả về mặt thực hành lẫn lí thuyết ngôn ngữ. Sau mấy chục năm vật lộn với mấy thứ tiếng châu Âu, cách đây khoảng chục năm, tôi ghi tên học lớp tiếng Hoa như một sinh viên bình thường tại Đại học Harvard. Được học bài bản tiếng Hoa trong mấy năm, trường trả tiền. Điều kiện học thật tốt, song phải “khổ luyện”.
Vì đây là lớp học hè, một mùa hè học chương trình cả một năm học nên mỗi tuần năm ngày học trên lớp bốn tiếng rưỡi, về nhà làm bài tập ít nhất là sáu, bẩy tiếng, có hôm hơn thế nữa.
- Ông phân chia thời gian như thế nào để có thể học tập và sử dụng cùng lúc rất nhiều ngôn ngữ?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Hằng ngày, đi xe buýt đến trường và từ trường về, mỗi ngày tôi đọc và học ôn một thứ tiếng. Hôm thì tiếng Pháp, hôm thì tiếng Đức, hôm thì tiếng Anh, hôm thì tiếng Trung Quốc. Một người bạn ở Đài Loan tặng tôi một món quà rất có ý nghĩa là mấy tập giấy kẻ ô vuông để tôi tập viết chữ Hán. Hôm nào tôi cũng tập viết, có thì giờ thì một trang, ít thì giờ thì nửa trang.
Học thêm về lí thuyết ngôn ngữ đại cương thì đòi hỏi phải tập trung. Tôi làm công việc này vào thứ bẩy chủ nhật, vào dịp nghỉ đông và nghỉ hè.
- Trên con đường khoa học của mình, ai là người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới ông?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Trước hết là gia đình tôi. Bố mẹ tôi rèn giũa cho các con tinh thần lao động cần cù. Bố tôi là tấm gương trong việc nâng cao trình độ, trong đó có học ngoại ngữ. Cụ là một trong những trí thức do Pháp đào tạo đi học tiếng Nga đầu tiên ở Hà Nội, sau đó sử dụng được để đọc sách y học.
Cuối thập niên 1960, Cuba cử các đoàn chuyên gia y tế sang Hà Nội. Bố tôi làm việc với các bác sĩ Cuba, học tiếng Tây Ban Nha với họ. Có hôm tôi vào Viện Mắt thấy bố tôi nói chuyện với bác sĩ Cuba bằng tiếng Tây Ban Nha rất lâu. Mỗi tuần hai buổi tối, bố tôi đi học tiếng Tây Ban Nha cho đến khi cụ ra chiến trường, lúc ấy gọi là đi B.
Sau đó là các thầy cô giáo Khoa Nga ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội đã hướng tôi vào con đường mà tôi đi cho đến ngày hôm nay. Trước khi lên đường sang Liên Xô học nghiên cứu sinh, tôi đến chào một thầy giáo. Thầy dặn tôi dù nghiên cứu lí thuyết ngôn ngữ đại cương hay bất cứ thứ tiếng gì nhưng là người Việt thì không thể không biết chữ Hán. Tôi hứa với thầy sẽ học chữ Hán và học tiếng Hoa như một sinh ngữ. Hơn ba mươi năm sau, tôi ngồi vào thực hiện lời hứa với thầy thì thầy đã ra đi.
Phải kể đến các thầy cô giáo là chuyên gia Liên Xô sang trường chúng tôi giảng dạy cho giảng viên sau khi chiến tranh kết thúc ở miền Bắc. Họ mở bao nhiêu lớp, tôi đi học bấy nhiêu lớp. Lần đầu tiên được nghe người Nga nói tiếng Nga, lại nghe về những vấn đề mình quan tâm, tôi miệt mài học tập. Họ gợi ý cho tôi nhiều điều mà sau đó tôi làm theo trong khi học nghiên cứu sinh ở Moskva .
Cũng phải kể đến các thầy cô giáo CHDC Đức dạy tôi tiếng Đức năm học 1977-1978. Tôi không chỉ học được tiếng Đức (khi sang Liên Xô, trình độ tiếng Đức của tôi đã tương đương với cuối năm thứ hai của đại học bên ấy), mà còn học được phong cách làm việc của người Đức: kỉ luật, chính xác, hiệu quả. Mùa hè năm 1980 ở CHDC Đức, tôi cũng học được rất nhiều điều làm vốn liếng cho chặng đường sau này.
Rồi sau đó, đương nhiên là các thầy cô giáo Liên Xô của tôi trong thời gian tôi học nghiên cứu sinh. Những kiến thức tôi học được ở Moskva về Nga ngữ, văn học Nga, lí thuyết ngôn ngữ đại cương là cái nền để tôi tiếp tục đi sâu vào lí thuyết ngôn ngữ cũng như học các thứ tiếng khác.
TS Ngô Như Bình tại cuộc hội thảo Việt Nam học và Đài Loan học tháng 11/2019. (Ảnh: NVCC) |
Về Việt Nam, tôi thường xuyên đi xe buýt
- Tôi tin rằng, dù muốn hay không, những nhà khoa học như ông luôn là một sứ giả của văn hóa Việt ở nước ngoài. Hẳn là ông có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ, mà thông qua ông, tiếng Việt - văn học Việt được yêu mến, quan tâm nhiều hơn...
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Kỉ niệm thì nhiều lắm. Tôi chỉ xin dẫn nhận xét đánh giá về lớp năm thứ tư của một sinh viên năm ngoái. Sinh viên người Mỹ này viết: “Tôi bắt đầu học tiếng Việt chỉ vì tò mò. Thành phố tôi ở có nhiều người Việt. Tôi tiếp xúc với họ hằng ngày đương nhiên là bằng tiếng Anh. Giờ đây, sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, tôi trở về nói chuyện với họ bằng tiếng Việt về lịch sử Việt Nam, về văn học, thơ ca Việt Nam, đọc cho họ nghe những bài thơ mà thầy Bình giao học thuộc lòng như Chân quê của Nguyễn Bính, Xa cách của Xuân Diệu, Ông đồ của Vũ Đình Liên, Ngậm ngùi của Huy Cận, Áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa. Họ coi tôi như một người Việt.”
- Trong các gia đình gốc Việt ở Mỹ, việc dạy tiếng Việt cho con cái có được chú trọng hay không thưa ông? Xin phép cho tôi tò mò một chút, với riêng gia đình ông thì sao ạ?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Trong tất cả các gia đình gốc Việt ở bên này mà tôi quen biết, các bậc cha mẹ, ông bà đều cố gắng dạy con cháu mình nói tiếng Việt ở những mức độ khác nhau, giúp các cháu tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, phong tục Việt Nam.
Con gái tôi sinh ra ở Moskva , tiếng mẹ đẻ của cháu khi ấy là tiếng Nga. Cháu sang Mỹ năm 7 tuổi đi học lớp một chưa biết một tí tiếng Anh nào. Một năm sau, nói tiếng Nga với cháu, cháu trả lời bằng tiếng Anh. Một số cháu cứ thế rồi quên hẳn tiếng mẹ đẻ ban đầu. Tôi kiên trì nói tiếng Nga với cháu cho đến ngày hôm nay. Hiện cháu sống và làm việc ở xa, cả tháng mới về thăm nhà một lần. Email và tin nhắn cho cháu tôi viết bằng tiếng Nga, cháu đọc hiểu hết. Trả lời thì cháu phải viết tiếng Anh vì chính tả tiếng Nga là chính tả hình thái, nếu không nắm vững ngữ pháp thì không viết được. Cháu ngày càng nói tiếng Nga nhiều hơn với tôi, kể cả khi nói chuyện qua điện thoại lẫn mỗi lần bố con gặp nhau.
Còn tiếng Việt thì vẫn là ước mơ của bố cháu đến một ngày nào đó cháu sẽ học tiếng Việt. Tôi không đặt mục tiêu dạy cháu tiếng Việt khi cháu còn đang đi học, vì không muốn làm cháu bị rối loạn ngôn ngữ. Ở nhà cháu nói tiếng Nga, đến trường nói tiếng Anh và học tiếng Tây Ban Nha. Hiện giờ cháu gần như song ngữ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, sử dụng được tiếng Nga trong giao tiếp. Như thế là tạm ổn rồi.
- Quay trở lại với Hà Nội của chúng ta, Hà Nội trong kí ức của ông và Hà Nội hôm nay có khiến ông nảy sinh sự so sánh, nuối tiếc hay kì vọng gì không, thưa ông?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Tôi rời Hà Nội cách đây hơn 40 năm, mang theo hình ảnh của một Hà Nội tĩnh lặng vào thời điểm ấy, như nhà thơ Việt Phương nói: “Êm đềm như đường Khúc Hạo mùa thu/ Giữa thủ đô nghe vẳng tiếng chim gù”.
Hà Nội giờ đây ồn ào không biết gấp bao nhiêu lần so với thời bao cấp. Cuộc sống đi lên, thành phố đông đúc hơn, năng động hơn rất nhiều. Nuối tiếc theo tôi là một thái độ đương nhiên có ở tất cả mọi người, nhưng nếu chỉ nuối tiếc thì tôi nghĩ hơi tiêu cực. Tình cảm của tôi dành cho Hà Nội tích cực hơn nhiều, mà như phóng viên dùng từ rất hay là “kì vọng”. Nhiều kì vọng lắm chứ.
Những vấn nạn của Hà Nội như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn được đem ra bàn luận, mổ xẻ nhiều rồi. Tôi chỉ mong những người có trách nhiệm nhất quán trong phương hướng giải quyết. Chẳng hạn như vấn đề ách tắc giao thông. Hôm vừa rồi mới thông qua ngân sách xây dựng cây cầu thứ tám qua sông Hồng, trong khi giao thông nội thành ngày càng trở nên hỗn loạn mà chưa tìm ra lối thoát. Rồi những công trình ngốn những khoản vốn khổng lồ chưa biết bao giờ mới đi vào hoạt động. Nên chăng dùng số tiền ấy giải quyết giao thông công cộng trong nội thành trước?
Tôi không biết. Tôi không dám lạm bàn vào công việc của các nhà chuyên môn, của những người hoạch định chính sách. Tôi chỉ cần nhìn thành phố tôi sống từ gần 30 năm nay để thấy họ nhất quán trong cách giải quyết ách tắc giao thông và ô nhiễm do giao thông gây ra như thế nào.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể chính sách nhất quán trong giải quyết ách tắc giao thông mà thành phố ông đang sống áp dụng thế nào không, thưa ông?
Tiến sĩ Ngô Như Bình: Boston là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa lớn nhất nước Mỹ. Cách đây hơn 100 năm, khi những chiếc ô tô đầu tiên xuất hiện trên đường với tư cách là phương tiện giao thông, chính quyền thành phố ý thức được ngay rằng hệ thống đường sá xây dựng trong mấy trăm năm cho xe ngựa chỉ trong thời gian ngắn sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu nữa. Họ nhất quán từ ngày ấy cho đến bây giờ.
Hướng thứ nhất là mở rộng, xây dựng thêm đường phố trong nội thành một cách hợp lí nhưng bảo vệ tuyệt đối các di tích lịch sử. Boston là thành phố cổ nhất nước Mỹ, cái nôi của Cách mạng Mỹ, thu hút du khách cả trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu lịch sử Hoa Kì. Các di tích lịch sử được bảo vệ thật nghiêm ngặt. Con đường cao tốc ngầm xuyên qua trung tâm thành phố khai thông cách đây gần 20 năm giải quyết phần nào vấn đề tắc đường vào giờ cao điểm.
Hướng thứ hai là liên tục hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng: tàu điện ngầm, xe buýt và tàu điện đi từ ngoại thành vào nội thành, miền Đông Bắc nước Mỹ gọi là commuter rail. Một số tuyến xe buýt chạy bằng điện, giống như xe trolley bus ở Moskva , trong đó có tuyến xe buýt nối dài tàu điện ngầm ra sân bay quốc tế. Đi từ sân bay vào nội thành bằng xe buýt chạy điện và tàu điện ngầm không mất tiền.
Từ gần 30 năm nay tôi đi xe buýt đi làm. Tiện lợi, đúng giờ. Trong một tiếng trên xe buýt cả hai chiều đi và về, tôi làm được rất nhiều việc. Thêm vào đó, Đại học Harvard khuyến khích công nhân viên chức dùng các phương tiện giao thông công cộng đi làm bằng cách trả cho chúng tôi 50% giá vé tháng. 50% còn lại chúng tôi trả nhưng chính phủ cho tính trước thuế, tức là mỗi năm chúng tôi không phải đóng thuế cho mấy trăm USD tiền mua vé xe buýt. Trong bộ môn tôi có những giáo sư không có xe ô tô. Khi nào phải lái xe đi đâu đấy thì đi thuê hoặc có những hình thức khác để có xe lái khi cần mà không phải mua xe.
Về Việt Nam tôi thường xuyên đi xe buýt ở Hà Nội và Sài Gòn. Tôi thấy các tuyến xe buýt ở hai thành phố lớn nhất bao phủ được hết khu vực nội thành, bắt đầu vươn ra ngoại thành. Giá vé lại rẻ, rõ ràng là được nhà nước trợ giá. Học sinh, sinh viên mua vé tháng giá giảm, người từ tuổi về hưu trở lên đi không mất tiền. Quá ưu việt! Ở bên này cũng thế, người tuổi về hưu chỉ trả nửa giá vé. Làm sao khuyến khích được người dân Hà Nội dùng phương tiện công cộng như ở bên này? Đấy là một trong những kì vọng của tôi. Còn những kì vọng khác nữa, có dịp tôi sẽ trao đổi thêm.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!