Tiến sĩ Lương Mạnh Tùng – "Công thần" đứng sau công nghệ chip 7nm của SMIC

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 29/8/2023, Huawei đã tung ra mẫu smartphone Mate 60 Pro được trang bị chip Kirin 9000S 7 nanomet (nm) do SMIC sản xuất, lập tức làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về nguồn gốc của con chip tiên tiến này.  

Với việc giúp chế tạo thành công chip Kirin 9000S 7 nm, Lương Mạnh Tùng được coi là công thần của SMIC (Ảnh: LTN)
Với việc giúp chế tạo thành công chip Kirin 9000S 7 nm, Lương Mạnh Tùng được coi là công thần của SMIC (Ảnh: LTN)

Trung Quốc đang bị Mỹ trừng phạt và phong tỏa nghiêm ngặt trong lĩnh vực thương mại và chế tạo chip, làm thế nào SMIC có thể đột phá công nghệ chip 7 nm? Câu trả lời nằm ở CEO Lương Mạnh Tùng của Tập đoàn Quốc tế Chất bán dẫn Trung Quốc (SMIC).

Lương Mạnh Tùng (Mong-Song Liang) là Tiến sĩ điện cơ của phân hiệu Berkeley, Đại học California. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Advanced Micro Devices (AMD) trong vài năm. Năm 1992, ở tuổi 40, ông trở lại Đài Loan (Trung Quốc) để gia nhập TSMC.

Trong 17 năm làm việc tại TSMC, ông chịu trách nhiệm công nghệ tiên tiến nhất của mỗi quy trình chế tạo chip của công ty này, cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển quy trình đồng 0,13 micron của TSMC năm 2003. Công lao của ông chỉ đứng sau phó chủ tịch cấp cao Tưởng Thường Nghĩa. Tuy nhiên, năm 2009, Lương Mạnh Tùng quyết định rời TSMC, có tin đồn do "vấn đề nhân sự nội bộ".

Từng làm việc cho Samsung

Sau khi rời TSMC, Lương Mạnh Tùng giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa, sau đó đến Đại học Sungkyunkwan ở Hàn Quốc với tư cách giáo sư thỉnh giảng vào tháng 8/2009. Do Đại học Sungkyunkwan được Samsung tài trợ, có cơ quan truyền thông sau đó chỉ ra rằng ông đã bắt đầu làm việc cho Samsung.

Vào tháng 5/2010, vị phó CEO nhân sự lúc đó của TSMC đã liên hệ với Lương Mạnh Tùng nói rằng nếu ông gia nhập Samsung sẽ bị coi là vi phạm điều khoản cấm cạnh tranh.

Luong Manh Tung va dong nghiep.jpg
Lương Mạnh Tùng từng là 1 trong 6 "đại tướng" của TSMC Đài Loan, nhưng hiện nay trong bức ảnh này hình của ông đã bị xóa (Ảnh: LTN)

Lương Mạnh Tùng khẳng định sẽ không gia nhập Samsung. Tuy nhiên, sau khi điều khoản cấm cạnh tranh ký với TSMC hết hạn vào năm 2011, Lương Mạnh Tùng chính thức được Samsung mời làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc công nghệ bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển). Điều này đã khiến TSMC đệ đơn kiện, cáo buộc ông xâm phạm bí mật kinh doanh.

Giúp Samsung dẫn trước TSMC nửa năm

Đơn kiện của TSMC chỉ ra rằng Lương Mạnh Tùng tham gia sâu vào quá trình nghiên cứu và phát triển quy trình FinFET (Fin Field Effect Transistor) của công ty và là người nắm giữ các bằng sáng chế liên quan. Samsung vào đầu tháng 12/2014 cũng sản xuất hàng loạt chip sử dụng công nghệ này, dẫn trước TSMC ít nhất nửa năm.

Ong Luong Manh Tung.jpg
Tiến sĩ Lương Mạnh Tùng đang được tôn vinh và ca ngợi ở Trung Quốc sau ra mắt thành công của điện thoại Huawei Mate 60 Pro (Ảnh: Sina).

Công nghệ sản phẩm của Samsung có nguồn gốc từ IBM (International Business Machines), quy trình 65 nm được sản xuất hàng loạt từ năm 2009, có tính năng sản phẩm tương tự IBM, nhưng rất khác với TSMC. Tuy nhiên, trong vài năm sau, một số quy trình sản xuất chính của Samsung bắt đầu trở nên rất giống với TSMC, khiến TSMC nhận định Lương Mạnh Tùng đã tiết lộ bí mật kinh doanh của họ cho Samsung.

Phần thắng trong vụ kiện này cuối cùng thuộc về TSMC, tòa án phán quyết Lương Mạnh Tùng đã tiết lộ các bí mật thương mại về sản phẩm, quy trình, nhà cung cấp và khách hàng mà ông đã tiếp xúc khi làm việc tại TSMC; yêu cầu ông không được tiết lộ các thông tin liên quan về TSMC của nhân viên bộ phận R&D cho Samsung và bị cấm phục vụ cho Samsung.

Theo một người đại diện Samsung, ông chính thức rời công ty này vào năm 2015.

Giúp SMIC nâng cấp chip lên 7 nm chỉ trong 3 năm

Năm 2017, Lương Mạnh Tùng gia nhập SMIC với tư cách là đồng giám đốc điều hành. Trong thời kỳ giữ chức tại SMIC, Lương Mạnh Tùng không chỉ nâng cao hiệu suất chip mà còn dốc sức thúc đẩy quy trình sản xuất chip tiên tiến. Ông đã dành hơn 3 năm để hoàn tất việc phát triển công nghệ 5 thế hệ chip của SMIC từ 28 nm lên đến 7 nm.

Năm 2020, SMIC lần đầu tiên đề cập đến quy trình sản xuất chip 7 nm. Tháng 3/2021, Lương Mạnh Tùng tiết lộ đã chinh phục được công nghệ chip 7 nm, cho biết đây là "nhiệm vụ mà các công ty bình thường sẽ phải mất hơn 10 năm mới hoàn thành được".

Công ty nghiên cứu công nghiệp Canada TechInsights năm 2022 tiết lộ rằng vào tháng 7/2021, SMIC đã bắt đầu cung cấp chip 7 nm cho công ty khai thác Bitcoin MinerVa của Mỹ. Sau khi tháo rời và phân tích, cơ quan nghiên cứu nhận thấy rằng chip 7 nm của SMIC rất giống với quy trình sản xuất của TSMC. Sau khi Huawei ra mắt Mate 60 Pro vào năm nay, công nghệ xử lý 7nm của SMIC lại trở thành tiêu điểm.

Bị phong tỏa theo lệnh cấm của Mỹ, các công ty Trung Quốc không thể có được máy quang khắc EUV (tia cực tím) cần thiết cho các quy trình chế tạo chip tiên tiến. Gần đây, có nguồn tin tiết lộ với truyền thông Nhật Bản rằng SMIC đang thử sử dụng thiết bị quy trình hoàn thiện để sản xuất chip 7 nm.

Cả TechInsights và tổ chức nghiên cứu Fomalhaut Techno Solutions của Nhật Bản đều cho rằng SMIC cần không ngừng cải tiến máy khắc DUV (ánh sáng cực tím sâu) 14 nm hiện có và thậm chí kết hợp các công nghệ đặc biệt mới có thể tạo ra chip xử lý có hiệu suất tương đương 7 nm được.

Trai tim cua Mate 60 Pro.jpg
Chip Kirin 9000S 7nm, "trái tim" của điện thoại Huawei Mate 60 Pro (Ảnh: SCMP)

Tuy nhiên, hiệu suất của chip công nghệ 7nm của SMIC vẫn còn là một dấu hỏi. Nhiều chuyên gia trong ngành bán dẫn cho rằng SMIC không có khả năng sản xuất hàng loạt chip 7nm. Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo trước đây cũng chỉ ra tại phiên điều trần trước quốc hội rằng hiện không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có khả năng sản xuất hàng loạt chip 7 nm.

Jefferies cho rằng Huawei dự kiến ​​xuất xưởng 10 triệu chiếc smartphone Mate 60 Pro, nhưng số lượng này có thể khó đạt được với chip 7nm sản xuất trong nước.

Theo Sina, Creaders