Mới đây nhất là tuyên bố thắt chặt giám sát của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF (Financial Action Task Force).
FATF là cơ quan liên chính phủ được thành lập vào tháng 7/1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris. Đây là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Hiện tại, FATF có 36 quốc gia thành viên và 5 tổ chức khu vực là thành viên liên kết.
Động thái của FATF cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn đối với tiền mã hóa vì lo ngại chúng có thể bị các băng nhóm tội phạm lợi dụng để rửa tiền.
“Quốc gia nào cho phép tiền mã hóa hoạt động sẽ phải đăng ký và giám sát các công ty liên quan. Chính phủ các nước sẽ phải tiến hành kiểm tra chi tiết về khách hàng và báo cáo các giao dịch đáng ngờ”, FATF tuyên bố vào hôm thứ Bảy, ngày 22/6.
Simon Riondet - người đứng đầu cơ quan tình báo tài chính tại Europol, cơ quan cảnh sát của EU chuyên điều tra những vụ án xuyên biên giới cho rằng việc sử dụng tiền mã hóa làm tăng nguy cơ các vụ án rửa tiền phi pháp.
“Đây là một rủi ro mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Các quốc gia cần phải nhanh chóng lên tiếng hành động”, Chủ tịch FATF, Marshall Billingslea nói.
Europol đã triệt phá một băng nhóm ma túy Tây Ban Nha trong năm nay, chúng đã rửa tiền bằng cách sử dụng hai máy ATM tiền mã hóa – máy cho phép người dùng trao đổi tiền mã hóa để lấy tiền mặt.
Riondet cho biết tiền mã hóa đã được sử dụng để chuyển tiền qua biên giới, cũng như phá vỡ các giao dịch chuyển số lượng lớn tiền phi pháp thành số tiền nhỏ khó phát hiện hơn.
Nếu FATF lo ngại tiền mã hóa sẽ bị biến thành công cụ rửa tiền cho tội phạm thì các ngân hàng trên thế giới lại có một mối lo ngại khác. Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã bày tỏ quan điểm Libra của Facebook nên được xem xét kỹ lưỡng vì cho rằng tiền Libra nếu được phát hành rộng rãi sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính thế giới.
Tiền mã hóa là lĩnh vực ít chịu sự kiểm soát nhất. Chính vì thế, nó đang trở thành mối quan tâm số một của FATF, một tổ chức chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đa quốc gia. Trong khi các ngân hàng lớn trên thế giới coi tiền mã hóa là mối đe dọa tiềm ẩn đối với vị trí đứng đầu hệ thống tài chính của mình.
Mục tiêu của Facebook là biến Libra trở thành một đồng stablecoin – loại tiền kỹ thuật số được thiết kế để với giá trị ổn định, tránh dao động giá quá mạnh có thể dẫn tới bất lợi trong thanh toán và thương thảo. Giám đốc ngân hàng trung ương của Đức, Jens Weidmann, cho biết nếu điều đó trở thành sự thật rất có thể nó sẽ làm suy yếu các ngân hàng.
Các ngân hàng trung ương của Anh, Pháp và Đức cho biết Facebook nên “kiên nhẫn” chờ đợi sự xem xét kỹ lưỡng. Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC, Thống đốc Ngân hàng Anh, Mark Carney tuyên bố: “Nó phải an toàn, hoặc nó sẽ không bao giờ tồn tại”.
Sáng kiến của FATF đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm thiết lập một cách tiếp cận toàn cầu trong việc điều tiết thị trường giao dịch coin trị giá 300 tỷ USD.
Global Digital Finance, một cơ quan công nghiệp đại diện cho các công ty liên quan đến tiền mã hóa trên toàn thế giới, cho biết họ hoàn toàn đồng ý với các quy tắc của FATF.
Theo Reuters