Tiền mã hóa của Facebook mất đi một nhà tài trợ lớn

VietTimes -- Chỉ vài ngày sau khi Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng một số thành viên đóng vai trò khởi xướng trong Hiệp hội Liabra của Facebook đang xem xét lại khoản hỗ trợ cho Hiệp hội, thì PayPal cũng tuyên bố rời khỏi Hiệp hội Libra. Theo đó, khoản đầu tư 10 triệu đô la từ phía thành viên sáng lập này cũng “bốc hơi” theo. Đây thực sự sẽ là một mất mát lớn đối với kế hoạch phát triển tiền mã hóa của mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới.
Ảnh: Kitv
Ảnh: Kitv

Tiền mã Libra đang phải đối mặt với áp lực giám sát chặt chẽ từ phía các nhà lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự “ra đi” của PayPal là thách thức mới nhất mà Facebook và các đối tác tiền mã hóa của công ty đang phải đối mặt.

“PayPal đưa ra quyết định từ bỏ Hiệp hội Libra vào thời điểm này nhằm tập trung cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi và các nhiệm vụ hiện tại khi mà chúng tôi đang cố gắng mở rộng việc số hóa các dịch vụ tài chính”, Amanda Christine Miller, phát ngôn viên của PayPal cho biết.

Amanda không tiết lộ lý do tại sao công ty lại rời khỏi hiệp hội nhưng cô cho biết “Facebook là đối tác chiến lược lâu dài, có giá trị đối với PayPal và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Facebook ở nhiều khả năng khác nhau”.

Ảnh: CNET
Ảnh: CNET

Tiền mã hóa Libra dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2020 đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía các nhà lập pháp và những ngân hàng lớn trên toàn cầu. Đồng tiền kỹ thuật số của Facebook bị nhiều người lo ngại rằng chúng có thể bị tội phạm lợi dụng làm công cụ rửa tiền và các hoạt động bất hợp pháp khác. Facebook cũng đang xây dựng một ví kỹ thuật số, được gọi là Calibra.


Dante Disparte, người đứng đầu Chính sách và Truyền thông của Hiệp hội Libra từ chối việc tiết lộ các thành viên khác trong hội có rút tiền đầu tư hay không. Ông cho biết không có thông tin nào liên quan đến các thành viên khác trong hội tại thời điểm này.

“Hành trình xây dựng một mạng lưới thanh toán thế hệ mới tương tự như dự án Libra không phải là một con đường dễ dàng”, ông Dante nói. “Chúng tôi hiểu rằng việc thay đổi này là rất khó khăn. Mỗi tổ chức khi bắt đầu một cuộc hành trình đều phải đánh giá rủi ro và thành quả với chính mình”.

Theo CNET