|
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 được Đức quyết định viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Getty). |
Sau một thời gian kiên trì không chấp nhận, Đức cuối cùng đã buông tay vào ngày 25/1 và đồng ý cung cấp cho Ukraine một số xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2. Điều này xảy ra sau nhiều tuần các đồng minh phương Tây gây sức ép với Berlin tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine để nước này có thể chống lại Nga tốt hơn.
Việc Đức cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực được coi là bước ngoặt lớn trong chính sách viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhưng trên thực tế, kể từ khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2/2022, đến nay đã gần một năm, Đức đã cung cấp cho Ukraine một khối lượng lớn vũ khí. Theo Viện Kinh tế Thế giới tại Đại học Kiel, tính đến tháng 11/2022, Berlin đã hứa cung cấp cho Kiev vật tư quân sự trị giá 2,3 tỷ euro. Theo danh mục do chính phủ Đức công bố, ngoài xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2, còn bao gồm 5 hệ thống phóng rocket đa nòng M270 thế hệ thứ hai (bao gồm cả đạn dược), 14 khẩu lựu pháo tự hành PZH-2000, 22 triệu viên đạn và 14.000 túi ngủ.
|
Hệ thống phòng không Iris-T Đức viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Xinhua). |
Vậy rốt cục Đức lấy từ đâu ra số tiền khổng lồ này?
Một phần lớn trong số lượng lớn vũ khí mà Đức cung cấp cho Ukraine lấy từ kho của Bundeswehr (Quân đội liên bang Đức). Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London chỉ ra rằng quân đội Đức hiện có tổng cộng hơn 300 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2.
Đức cũng có ngành công nghiệp quân sự mạnh nhất EU. Vào năm 2022, chính phủ Đức đã phân bổ 2 tỉ euro để hỗ trợ vũ khí cho các đồng minh. Về nguyên tắc, số tiền này có thể được sử dụng để đặt hàng các doanh nghiệp quân sự của Đức và sau đó chuyển chúng đến Ukraine.
Vào năm 2023, tài chính của Đức đã phân bổ 2,3 tỉ euro cho viện trợ vũ khí nước ngoài, phần lớn trong số đó được lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine.
|
Pháo tự hành PLZ-2000 Đức viện trợ Ukraine (Ảnh: DPA). |
EU cũng đã thành lập "Quỹ hòa bình châu Âu" vào mùa xuân năm ngoái để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử EU, một quỹ được thành lập để cung cấp vũ khí sát thương cho các nước thứ ba.
Tính đến thời điểm hiện tại, Liên minh châu Âu đã chuẩn bị được khoảng 3,6 tỉ euro ngân quỹ cho quân đội Ukraine, số tiền này có thể được sử dụng để mua vũ khí sát thương và hỗ trợ phi sát thương. Tỷ lệ đóng góp của quỹ được phân bổ theo thực lực kinh tế của từng quốc gia thành viên và Đức, quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất, đương nhiên là quốc gia đóng góp nhiều nhất. Nếu một quốc gia thành viên đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine một cách riêng biệt, khoản đóng góp của quốc gia đó vào quỹ sẽ được khấu trừ tương ứng. Ví dụ, Ba Lan, một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ukraine, gần đây đã tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng cơ chế này để chịu chi phí cung cấp xe tăng Leopard-2 do Đức sản xuất cho Ukraine.
Trước khi Đức đồng ý cung cấp xe tăng Leopard-2 cho Ukraine, chính phủ nước này luôn kiên định với phương án "viện trợ gián tiếp"; tức là Đức cung cấp các thiết bị tiên tiến cho các nước láng giềng EU, còn các nước này chuyển vũ khí do Liên Xô sản xuất họ hiện có cho Ukraine. Berlin cho rằng ưu thế của phương án này là quân đội Ukraine đã quen sử dụng các loại vũ khí do Liên Xô sản xuất. Điều quan trọng hơn, chính phủ Đức cũng có thể tránh được những tranh cãi trong nước do cung cấp vũ khí tấn công cho các bên tham chiến, đồng thời còn giúp thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân đội trong nội bộ NATO và Liên minh châu Âu. Phương án này đã được thực hiện thành công tại Cộng hòa Séc, Slovakia và các nước EU lân cận khác, nhưng phía Ba Lan lại không hài lòng với điều này.