Tích hợp Linux ngay trong Windows 10, một mũi tên trúng hai đích của Microsoft

Không chỉ muốn làm chiều lòng các nhà phát triển, Microsoft còn muốn thuyết phục họ từ bỏ máy Mac để chuyển sang dùng Windows.

Có một thực tế là các máy Mac đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho các lập trình viên.

Ngay cả trong Microsoft, nhiều nhà phát triển phần mềm đám mây cũng dừng sử dụng Windows và bắt đầu sử dụng MacBook hoặc máy Mac desktop của Apple để làm việc. Ngay cả khi bước vào văn phòng của một startup hoặc một sự kiện nhà phát triển nào đó, người ta sẽ thường bắt gặp khung cảnh một hàng dài các MacBook, thay vì máy tính Windows.

Để lấy lại cảm tình từ những nhà phát triển của mình, Microsoft đã bắt đầu khảo sát xem điều gì sẽ đưa họ quay trở lại Windows. Các phản hồi cho thấy một kết quả thú vị? Nhiều nhà phát triển, cả trong và ngoài Microsoft, cho biết họ muốn chạy được phần mềm của mình trên Linux, hệ điều hành mã nguồn mở rất phổ biến với các nhà phát triển

Vì vậy, vào năm 2016, Microsoft giới thiệu nhân Windows Subsystem for Linux (WSL), có thể cho phép người dùng Windows 10 chạy một phiên bản Linux đầy đủ ngay trên máy tính của họ. Theo Kevin Gallo, phó chủ tịch hợp tác của nền tảng Windows Developer Platform, WSL là một cú hit lớn đối với nhiều nhà phát triển, và hiện nay đã có 3,5 triệu người dùng tích cực.

"Nó làm lu mờ mọi tuyên bố chúng tôi đưa ra." Ông Gallo nói với Business Insider. "Nó thổi bay cả các con số của chúng tôi. Hóa ra có rất nhiều người quan tâm đến điều này. Đây thực sự là một điều làm thức tỉnh chúng tôi. Chúng tôi đã dự đoán sẽ có người dùng quan tâm đến điều này, nhưng hóa ra sự quan tâm đó còn nhiều hơn tôi tưởng."

Vấn đề với lần tích hợp đầu tiên của WSL là trong khi nó làm việc chạy phần mềm Linux trên Windows 10, mọi thứ khác vẫn phải được lọc qua nhân của Windows – lõi của hệ điều hành, quản lý các chức năng cơ bản nhất của hệ thống, như bộ nhớ và bộ xử lý. WSL biên dịch các yêu cầu của phần mềm Linux thành điều gì đó mà nhân Windows hiểu được và ngược lại. Nó vẫn chạy, nhưng sẽ bị chậm.

Cho đến thứ Hai vừa qua, ngày mở đầu cho sự kiện Build 2019 của Microsoft, công ty đã giới thiệu Windows Subsystem for Linux 2 – cho phép đưa công ty tiếp cận với các nhà phát triển ở một mức độ mới bằng cách thực sự đưa vào một phiên bản đầy đủ nhân Linux, được thiết kế đặc biệt để chạy bên cạnh nhân Windows.

Dù chỉ là trên lý thuyết, nhưng ít nhất điều này có nghĩa là máy tính Windows 10 sẽ có thể làm bất cứ thứ gì hệ điều hành Linux có thể làm – bởi vì với tính năng phần mềm mới này, đây thực sự là một máy tính Linux.

WSL 2 sẽ có mặt thông qua chương trình Windows Insider vào cuối tháng 6 năm 2019, và việc phát hành rộng rãi sẽ diễn ra sau đó.

Một mũi tên trúng hai đích

Theo ông Gallo, việc mang WSL 2 đến Windows 10 còn là một mũi tên trúng hai đích. Không chỉ biến Windows 10 thành hệ điều hành tốt nhất cho phát triển phần mềm, nó còn có thể lôi kéo về người dùng máy Mac của Apple.

"Chúng tôi nghĩ rằng khi chúng tôi có thể mang đến những điều này … chúng tôi sẽ có trải nghiệm tuyệt vời so với những gì bạn có thể có được trên máy Mac." Ông Gallo cho biết. "Rất nhiều nhà phát triển đám mây phải sử dụng máy Mac. Một trong những điều chúng tôi không muốn nói với mọi người là, bởi vì bạn làm việc tại Microsoft, bạn phải dùng Windows. Nếu chúng tôi không đủ tốt để thuyết phục được nhân viên của mình, chúng tôi sẽ phải nỗ lực để làm điều đó."

Bên cạnh WSL 2, Microsoft còn cho biết, họ đã chỉnh sửa lại cửa sổ dòng lệnh terminal, cho phép các nhà phát triển viết ra những câu lệnh mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn cho máy tính của họ. Bản cập nhật sẽ còn bao gồm cả tính năng mở nhiều tab, hỗ trợ emoji và nhiều tùy chỉnh bổ sung khác.

Bất chấp quá khứ không mấy êm đẹp giữa Microsoft và Linux, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi ông Satya Nadella lên giữ chức CEO công ty vào năm 2014. Ông thậm chí còn từng trình diễn một slide với tựa đề "Microsoft Loves Linux" khi cho biết sẽ cho phép các nhà phát triển chạy Linux ngay trên đám mây Microsoft Azure.

Từ đó đến nay, tình cảm giữa Microsoft và cộng đồng Linux không ngừng phát triển. Vào năm 2018, công ty còn phân phối một phiên bản Linux đặc biệt của riêng họ dành cho các thiết bị kết nối. Cũng trong năm ngoái, Microsoft còn mua lại GitHub, nền tảng chia sẻ mã nguồn mở lớn nhất thế giới của cộng đồng các nhà phát triển.

Theo Tri thức trẻ

http://ttvn.vn/cong-nghe-vui/tich-hop-linux-ngay-trong-windows-10-mot-mui-ten-trung-hai-dich-cua-microsoft-720191058185991.htm