Tỉ phú Jack Ma để mất "đế chế tài chính" Ant Financial như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 30/12/2023, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã có văn bản xác nhận công ty Alipay không có người kiểm soát thực tế, ngay khi tin tức này xuất hiện đã có nhiều ý kiến ​​​​bàn tán cho rằng Jack Ma đã tuột mất Alipay.

Chỉ gián tiếp nắm giữ khoảng 6,2% cổ phần của Ant Group, tỉ phú Jack Ma đã mất quyền kiểm soát đế chế tài chính này (Ảnh: Sina)
Chỉ gián tiếp nắm giữ khoảng 6,2% cổ phần của Ant Group, tỉ phú Jack Ma đã mất quyền kiểm soát đế chế tài chính này (Ảnh: Sina)

Alipay là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Ant Financial. Thực tế, ngay từ đầu năm ngoái, Ant Financial đã trở thành thành không có người kiểm soát thực tế. Vậy tỉ phú Jack Ma đã từng bước đánh mất Ant Financial như thế nào?

Chuyện bắt đầu từ 20 năm trước. Trong thời kì Taobao mới ra đời, thương mại điện tử gần như chưa có, người mua và người bán không có sự tin tưởng. Trong những ngày đầu, Taobao về cơ bản tập trung vào các giao dịch nhỏ trong cùng một thành phố, liên hệ online, giao dịch ngoại tuyến, có thể nói là "thương mại điện tử giả".

Tháng 10/2003, một chức năng có tên "Giao dịch an toàn" đã được ra mắt trên Taobao. Chức năng này đã giải quyết được vấn đề về niềm tin của nền tảng thương mại điện tử. Năm 2004, chức năng "Giao dịch an toàn" được nâng cấp thành Alipay. Theo thời gian, Alipay đã phát triển thành nền tảng thanh toán bên thứ ba lớn nhất Trung Quốc và cuối cùng phát triển thành Ant Financial, bao gồm các hoạt động kinh doanh như thanh toán, cho vay, bảo hiểm, quản lý tài sản...

alipay-hien-khong-co-nguoi-kiem-soat-311.jpg
Alipay hiện đã chính thức trở thành công ty không có người kiểm soát thực tế (Ảnh: Sina)

Ngày 26/4/2016, Ant Financial đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn series B trị giá 4,5 tỉ USD, trở thành khoản gom vốn đơn lẻ lớn nhất trong ngành Internet toàn cầu cho đến nay. Với sự phát triển nhanh chóng của Ant Financial trong lĩnh vực công nghệ tài chính, công ty này nhanh chóng trở thành một trong những công ty công nghệ tài chính có giá trị nhất thế giới và Jack Ma cũng đứng ở trung tâm của vũ đài thế giới.

Kế hoạch IPO dang dở

Ngay khi Ant Financial đang chuẩn bị cho đợt IPO lớn nhất trong lịch sử ở Thượng Hải và Hong Kong, thì tất cả bắt đầu thay đổi.

Tháng 11/2020, kế hoạch IPO của công ty bất ngờ bị đình chỉ. Đây không chỉ là đòn giáng mạnh vào cá nhân Jack Ma mà còn tác động rất lớn đến Ant Financial. Các cơ quan giám sát quản lý triển khai thanh tra toàn diện Ant Financial, chỉ ra các vấn đề tồn tại về các hoạt động kinh doanh tín dụng, bảo hiểm, quản lý tài sản và yêu cầu chấn chỉnh.

Tại sao đợt IPO của công ty bị đình chỉ? Điều này có liên quan tới những thay đổi trong môi trường pháp lý tài chính của Trung Quốc. 2012-2013 là thời kỳ quản lý lỏng lẻo, với thái độ cực kỳ khoan dung đối với các doanh nghiệp hỗn hợp và tài chính trên môi trường Internet. Tháng 4/2017, chính phủ Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ và bắt đầu thực hiện những điều chỉnh kéo dài 4 năm trên thị trường tài chính: chấn chỉnh hoạt động huy động vốn bất hợp pháp của tư nhân dưới vỏ bọc công nghệ mà đại diện là P2P, tiếp theo là ra các quy định mới về quản lý tài sản, chấn chỉnh hoạt động cho vay trực tuyến và chỉnh đốn nghiệp vụ thanh toán di động.

Ant Financial đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý. Mặc dù công ty này đã nỗ lực ngụy trang thành một công ty công nghệ và thậm chí tháng 6/2020 đã đổi tên công ty từ Ant Financial thành Ant Group, nhưng thực chất nó vẫn là một công ty tài chính. Ant Financial chỉ có vốn đăng ký 300.000 NDT lợi dụng chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS) để không ngừng mở rộng quy mô tín dụng, một khi chuỗi vốn có vấn đề sẽ gây ra hậu quả khó lường.

ant-financial-bi-dinh-chi-ipo-6978.jpg
Ant Financial bị đình chỉ IPO tháng 11/2020 khiến Jack Ma thiệt hại hàng tỉ USD (Ảnh: Sohu)

Sau khi bị đình chỉ niêm yết, Ant Financial bắt đầu hợp tác với các cơ quan liên quan để tiến hành chỉnh đốn khắc phục, không chỉ thu hút được nhiều cổ đông hơn mà còn khiến nó trở thành không còn người kiểm soát thực sự nữa.

Trước đó, các quan chức điều hành cấp cao của Alibaba như Jack Ma, Tỉnh Hiền Đông và Tưởng Phương đều là người cùng hành động, những người khác đã biểu quyết giao quyền cho Jack Ma. Jack Ma nắm giữ 53,46% quyền biểu quyết của Ant Financial, do đó ông thực hiện quyền kiểm soát từ trên xuống dưới đối với Ant Financial và Alipay. Nhưng hiện nay, Jack Ma chỉ gián tiếp nắm giữ khoảng 6,2% cổ phần của Ant Group, mất đi quyền kiểm soát đế chế tài chính do ông sáng lập.

Tách khỏi Jack Ma

Việc Ant Group trở thành không có người kiểm soát thực tế có ý nghĩa gì? Điều có thể thấy là Ant Group hiện đang “phi Jack Ma hóa”.

Thực tế, cấu trúc không có người kiểm soát thực tế khá phổ biến ở các công ty công nghệ, Apple, Microsoft và Google đều thực hiện kiểu cấu trúc quyền cổ đông như vậy. Tuy nhiên, sự thiếu vắng người kiểm soát thực tế cũng mang lại những thách thức nhất định cho công tác quản lý doanh nghiệp, chẳng hạn như hiệu quả quyết sách có thể bị ảnh hưởng, hoặc trong một số trường hợp có thể gây ra sự hỗn loạn trong quản lý.

Mặc dù việc mất đi quyền kiểm soát của Jack Ma có thể mang đến sự bất ổn cho Ant Financial trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng về lâu dài điều này cũng mang lại cho nó không gian lớn hơn để phát triển và quyền tự chủ. Không có sự can thiệp của cá nhân Jack Ma, Ant Financial có thể tập trung nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh của mình, tìm kiếm thêm các mô hình và dịch vụ tài chính sáng tạo hơn cũng như ứng phó linh hoạt hơn với những thay đổi của thị trường.

ant-group-7702.jpg
Ant Financial đổi tên thành Ant Group nhưng không thoát khỏi bị phạt nặng (Ảnh: Zhihu).

Không khó để nhận ra rằng tuân thủ và chấn chỉnh là quan điểm chính của Ant Group trong những năm gần đây, và việc “loại bỏ Jack Ma” về vốn chủ sở hữu (quyền cổ đông) cũng dựa trên những cân nhắc này.

Hiện nay, đã 3 năm kể từ khi Ant Group bị đình chỉ niêm yết. Trong thời gian đó, những gì đáng phạt đã bị phạt, những gì cần thay đổi đã được thay đổi: Ant Group không chỉ nhận mức phạt hơn 7,1 tỉ NDT mà còn phải loại bỏ các nghiệp vụ lớn như Ant Checklater, Ant Cashnow. Điều này có thể có nghĩa là Ant Group đang tăng tốc khởi động lại đợt IPO của mình, đây sẽ là một vòng mới của "bữa tiệc" tạo ra của cải, tuy nhiên IPO có thể không phải điều dễ dàng.

Hiện Ant Group vẫn chưa xin được giấy phép nắm giữ tài chính của chính phủ Trung Quốc. Để có được giấy phép, Ant Group đang lên kế hoạch tái cơ cấu, xem xét tách blockchain, dịch vụ quản lý cơ sở dữ liệu và hoạt động kinh doanh quốc tế khỏi thực thể chính chịu trách nhiệm xin giấy phép và dọn đường cho khởi động lại đợt IPO tại Hong Kong. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại Ant Group vẫn chưa hoàn tất và còn quá sớm để nói về IPO.

Theo Sohu