Chóng mặt với đại gia
Trong hơn một tháng qua, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã đăng ký mua vào gần 10 triệu cổ phiếu TTF, trong đó đã mua thành công 5,5 triệu cổ phiếu.
Ông Võ Trường Thành mới đăng ký mua thêm 4,1 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 4/11 đến 3/12/2015 thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên gần 12% vốn điều lệ (16,6 triệu cổ phiếu).
Hiện tượng các lãnh đạo mua vào khi DN làm ăn tốt là điều bình thường. Tuy nhiên, nhiều NĐT khá bất ngờ khi các ông chủ thay đổi trạng thái mua bán quá nhanh. Trước đó, mới hồi cuối tháng 6/2015, ông Võ Trường Thành đã bán ra 3 triệu cổ phiếu TTF, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 10 triệu đơn vị xuống 7 triệu đơn vị.
Gần đây, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), liên tục bung tiền mua cổ phiếu lấy lại vị thế của mình, thay vì im hơi lặng tiếng, âm thầm thoái vốn.
Ồ ạt bán ra rồi bất ngờ dồn dập mua vào, nhiều đại gia liên tục có những thương vụ lòng vòng với túi tiền ngàn tỷ của mình. |
Ông Tâm đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu KBC từ 2/11 đến 1/12/2015 sau khi mua thành công gần 2,8 triệu cổ phiếu KBC hồi tháng 10 và 2,2 triệu cổ phiếu này trong tháng 9. Nếu giao dịch lần này thành công, ông Tâm sẽ sở hữu tổng cộng 67,25 triệu cổ phiếu KBC, chiếm 14,3% tổng lượng cổ phiếu DN này.
Trước đó, trong một năm ròng rã, kể từ tháng 9/2014, gia đình ông Tâm đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu KBC. Đầu tháng 8, bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái ông Đặng Thành Tâm đã bán thành công toàn bộ 2,9 triệu cổ phiếu KBC (0,62%). Vợ ông Thành - bà Nguyễn Thị Kim Thanh - cũng đã bán tổng cộng 6 triệu cổ phiếu trong tháng 9 và 11/2014 và hiện chỉ còn nắm 0,9% cổ phần KBC.
Đầu tháng 9/2014, ông Đặng Thành Tâm đã bán thỏa thuận 41 triệu cổ phiếu KBC, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ trên 101 triệu cổ phiếu, xuống còn trên 60 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ giảm từ gần 26% xuống còn 15,5%.
Cuối 2014, anh em nhà ông Trần Kim Thành đã quyết định bán 80% mảng bánh kẹo của CTCP Kinh Đô (KDC) - Kinh Đô Bình Dương - cho tập đoàn Mondelez International với giá 370 triệu USD sau 20 năm hoạt động. 20% còn lại có thể được bán trong vòng 12 tháng tiếp theo cho NĐT nước ngoài.
Gần đây, những người liên quan trong gia đình ông Trần Kim Thành liên tiếp mua vào cổ phiếu KDC. Sau hai anh em ông Trần Lệ Nguyên (mua 9 triệu cp) và ông Trần Kim Thành (3 triệu cp), bà Vương Bửu Linh - vợ ông Thành cũng đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu KDC. Tổng cộng gia tộc gốc Hoa anh em ông Thành-Nguyên hiện nắm giữ khoảng 21% KDC và tỷ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Kế sách xoay chuyển tình thế?
Trong vòng hơn 1 tháng, ông Võ Trường Thành mua vào tới gần 10 triệu cổ phiếu TTF vào thời điểm mà giá đã lên tới 16.000-20.000 đồng/cp, cao hơn nhiều so với khoảng 9.000 đồng hồi giữa tháng 5.
Điều mong muốn thực sự của các đại gia Việt trong các vụ mua bán khó lường là gì? |
TTF gần đây hồi phục khá nhanh sau tái cơ cấu, doanh thu tăng mạnh... Tuy nhiên, không ít NĐT vẫn lo ngại về triển vọng thực sự của DN này bởi lợi nhuận đến chủ yếu từ chi phí lãi vay và nợ gốc được NH xóa. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh rất thấp và hàng tồn kho lớn.
Câu hỏi đặt ra là: thị trường và ông Trường Thành có kỳ vọng quá vào DN của mình hay không? Có phải lãnh đạo DN đã nhìn thấy được tương lai tươi sáng của TTF hay không, một cơ hội mới cho DN, hay đây là một cách thức kinh doanh mới? Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải bởi trên thực tế trong 4-5 năm gần đây, TTF có lợi nhuận khiêm tốn, vài ba cho đến vài chục tỷ, rất thấp so với quy mô cả ngàn tỷ của DN này.
Không rơi vào tình cảnh khó khăn như Gỗ Trường Thành nhưng KDC cũng đối mặt với sự nghi ngại của rất nhiều NĐT khi bán đi mảng bánh kẹo và chuyển sang sản xuất mì ăn liền…
Đáp trả lại những nghi ngờ này, nhóm cổ đông nhà ông Trần Kim Thành và chính DN này đã mua vào cả chục triệu cổ phiếu và cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, những chiến lược “vào ra” của các cổ đông lớn, của chính DN và các cổ đông chiến lược mới của KDC gần đây cũng có lời ra tiếng vào.
Nhiều NĐT đặt ra câu hỏi tại sao KDC lại phải phát hành 40 triệu cổ phần cho 5 NĐT chiến lược (Tháp Láng Hạ, Đồng Tâm, công ty con của Đồng Tâm, BĐS An Thịnh Lộc và Trường Thinh Phát) hồi giữa năm ngoái, trong khi đang dư thừa hàng ngàn tỷ đồng tiền mặt để rồi các NĐT này gần đây lần lượt thoái vốn sau khi ôm một mớ cổ tức bằng tiền (200%) và cổ phiếu thưởng.
Quyết định mua hàng chục triệu cổ phiếu quỹ của KDC trị giá hàng ngàn tỷ đồng cũng khiến thị trường lo lắng về chiến lược của DN này thực sự như thế nào, có tiếp tục đẩy mạnh M&A và đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng nhanh nữa hay không sau khi thu về 8 ngàn tỷ đồng từ bán mảng bánh kẹo? Điều mong muốn thực sự của các đại gia Việt trong các vụ mua bán khó lường là gì?
Theo VNN