Thương mại điện tử Đông Nam Á sau vụ sáp nhập Alibaba-Lazada

Với quyết định rót một tỉ đô la Mỹ để nắm cổ phần chi phối ở Công ty thương mại điện tử Lazada, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) đã phát đi tín hiệu rằng Đông Nam Á sẽ là một chiến trường thương mại điện tử.
.Nhân viên Lazada đang làm việc tại một kho hàng ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters
.Nhân viên Lazada đang làm việc tại một kho hàng ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Khó khăn logistics

Với 600 triệu dân tà tầng lớp trung lưu tăng nhanh, khu vực Đông Nam Á có khả năng giúp các nhà bán lẻ toàn cầu bù đắp động lực tăng trưởng đang chậm ở các thị trường cốt lõi của họ; nhưng kèm theo đó là các rào cản ngôn ngữ, logistics và quy định quản lý phức tạp. Kết nối Internet chậm chạp và địa hình có nhiều đảo của khu vực có thể gây nản chí ngay cả đối với những chuyên gia logistics dày dạn kinh nghiệm.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào tháng 10 năm ngoái, giám đốc hoạt động của Lazada Pierre Poignant đã nêu bật một số khó khăn trong việc giao hàng ở Philippines. “Ở một số nơi, hoàn toàn không có địa chỉ...và nhiều nơi bạn phải đi thuyền mới đến được. Có thể mất vài ngày, thậm chí hàng tuần mới đưa hàng đến được một số đảo xa xôi”, ông nói.

Một nghiên cứu của Công ty môi giới Credit Lyonnais Securities Asia (Hồng Kông) vào năm ngoái cho thấy gần 25% đơn hàng trực tuyến mà công ty này đặt ở Philippines không đến nơi được và nhiều chuyến hàng bị trễ.

Những khó khăn như vậy khiến thị trường khu vực rất dễ bị phân mảnh mà không có một lực lượng nào thống lĩnh được. Vì thế, các quỹ khởi nghiệp cho biết các công ty quốc tế rất muốn bước chân vào thị trường Đông Nam Á và sẽ bắt chước Alibaba bằng cách mua lại các công ty thương mại điện tử đang hoạt động ở đây hơn là cố gắng tạo dựng mọi thứ ngay từ đầu.

Mua lại thay cho xây dựng

“Chiến lược tiếp cận và tìm một đấu thủ trong khu vực đã chứng tỏ được chỗ đứng trên thị trường rồi mua chúng để xác lập sự hiện diện là một chiến lược rất tốt và chúng ta sẽ còn chứng kiến điều này nhiều hơn”, Vinnie Lauria, người đồng sáng lập Công ty đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures, cho biết. Golden Gate Ventures đang đầu tư vào hai công ty thương mại điện tử Carousell và Redmart ở Singapore.

“Lazada đã thực hiện xuất sắc công việc mở rộng hoạt động ở nhiều nước. Đó không phải điều mà Alibaba làm tốt”, Vinnie Lauria nhận định. Có trụ sở đặt ở Singapore nhưng Lazada đang hoạt động ở nhiều nước trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Philppines, Thái Lan và Việt Nam.

Mặc dù Lazada tăng gấp ba lượng khách hàng đăng ký mở tài khoản lên con số 7,3 triệu nhưng mức thua lỗ của công ty cũng tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái. Các chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư phải chờ đợi rất lâu trước đạt được lợi nhuận trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Khu vực Đông Nam Á còn có nhan nhản các công ty thương mại điện tử khác gồm Amazon.com, Tokopedia, Zalora, OLX, Qoo10, Cùng Mua, Blibli và Etsy… nhưng không một nền tảng thương mại điện tử nào kiểm soát quá 20% thị phần, theo Công ty tư vấn Bain & Co (Mỹ).

Danh sách các đấu thủ đang gia tăng và đi kèm theo đó là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển tiền trực tiếp chẳng hạn như Fastacash, Xoom và GoSwift đang nỗ lực thiết lập chỗ đứng trong khu vực.

Ông Vinnie Lauria cho biết trong lĩnh vực thương mại điện tử, sẽ dễ dàng hơn nếu một công ty tầm cỡ quốc tế tiến hành thâu tóm thay vì bắt chước thành lập công ty mới.

Đối với những công ty đang nỗ lực giành giật chỉ một thị phần nhỏ, sáp nhập có thể là con đường để tồn tại. “Thị phần của các đấu thủ nhỏ hơn chắc chắn sẽ càng nhỏ hơn khi Alibaba nhảy vào khu vực. Có một cách để tồn tại là hợp tác với một số đấu thủ khác để trở nên vững mạnh hơn”, Cris Duy Tran, chuyên gia tư vấn ở Công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan (Mỹ), nhận định.

Một nguồn tin nắm rõ thương vụ Alibaba-Lazada cho biết Alibaba đã cân nhắc nhiều mục tiêu trước khi thâu tóm Lazada. Nguồn tin này nói: “Lazada mang lại cho Alibaba quy mô thị trường mà Alibaba phải mất rất nhiều thời gian nếu tự xây dựng”. Người phát ngôn của Alibaba ở Hồng Kông nói rằng Alibaba nhìn nhận thương vụ Lazada là một “khoản đầu tư cùng thắng”.

Trong email trả lời phỏng vấn của Reuters, người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi đánh giá Đông Nam Á là một mảnh ghép chiến lược trong chiến lược toàn cầu hóa của chúng tôi. Đó là một thị trường cho thấy tiềm năng quan trọng của thương mại điện tử” với một môi trường kinh tế năng động, kết cấu nhân khẩu học hấp dẫn, tỷ trọng thương mại điện tử còn thấp.

“Rồng komodo” thách thức “cá sấu Alibaba”

Một nguồn tin khác cho biết Alibaba sẽ không dừng lại chỉ một vụ thâu tóm trong khu vực. “Đó là một công ty 200 tỉ đô la Mỹ... nhưng chỉ mới thực hiện một thương vụ thâu tóm một tỉ đô la Mỹ trong một phân phúc của thương mại điện tử. Vậy thì họ đã hết thâu tóm chưa? Tôi nghĩa là chưa. Họ vẫn còn thèm muốn”.

Một số công ty thương mại điện tử khác trong khu vực đang sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh gay gắt hơn.

Chủ tịch Alibaba Jack Ma đã có lần ví rằng tập đoàn thương mại điện tử của ông như một con cá sấu trên sông Dương Tử. Song ông William Tanuwijaya, giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập Công ty thương mại điện tử Tokopedia (Indonesia) quả quyết: “Tôi cho rằng ngày nay, Tokopedia là rồng komodo ở quần đảo gồm 17.000 đảo này. Chiến đấu trên một con sông, rồng komono sẽ thua nhưng chiến đấu trong rừng rậm ở một trong những hòn đảo của chúng tôi, rồng komodo sẽ có cơ hội thắng rất lớn”.

Rồng komodo là một loài thằn lằn lớn được tìm thấy ở một số đảo của Indonesia bao gồm đảo Komodo. Nó là loài thằn lằn lớn nhất còn sinh tồn với chiều dài có thể lên tới 3 mét. Tokopedia, một trong những công ty thương mại lớn nhất Indonesia, cung cấp nền tảng cho phép các doanh nghiệp nhỏ và những người buôn bán nhỏ lẻ mở các cửa hàng trực tuyến. Năm 2014, tập đoàn SoftBank (Nhật) và Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital (Mỹ) đã rót 100 triệu đô la Mỹ vào Tokopedia.

Theo TBKTSG