Thuốc Molnupirarvir không hiệu quả như mong đợi: Cuộc chiến chống COVID-19 sẽ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Molnupiravir từng được xem là yếu tố "thay đổi cục diện” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhưng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đầy đủ cho thấy kết quả không như mong đợi.

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đầy đủ thuốc Molnupiravir cho thấy kết quả không được như mong đợi (Ảnh: Alamy)
Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đầy đủ thuốc Molnupiravir cho thấy kết quả không được như mong đợi (Ảnh: Alamy)

Molnupiravir là 1 trong 2 loại thuốc viên kháng virus từng khiến nhiều người háo hức trong vài tháng qua, bởi kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ cho thấy nó giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong do COVID-19. Thuốc hiện vẫn chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ. Một hội đồng của FDA đã nhóm họp vào ngày 30/11 vừa qua, và bỏ phiếu ủng hộ việc cấp EUA cho Molnupiravir.

Sự trì hoãn của FDA trong việc cấp phép cho Molnupiravir có thể là tín hiệu về sự bất trắc về độ hiệu quả cũng như an toàn của thuốc: Dữ liệu thử nghiệm đầy đủ được gửi cho FDA cho thấy loại thuốc kháng virus này kém hiệu quả hơn so với kỳ vọng, dập tắt hy vọng của giới khoa học rằng loại thuốc có giá khá rẻ và dễ sử dụng này có thể thay đổi cục diện COVID-19.

Kết quả đầy đủ, được công bố ngay trước cuộc họp hội đồng tư vấn, cho thấy Molnupiravir – được phát triển bởi hãng dược Merck, trụ sở tại Keniworth, bang New Jersey, Mỹ và công ty công nghệ sinh học Ridgeback Biotherapeutics ở Miami, Florida, Mỹ - làm giảm tỷ lệ nhập viện do COVID-19 khoảng 30%, thấp hơn mức kỳ vọng trước đó là 50%.

“Nó không hề tốt như vậy” – Katherine Seley-Radtke, chuyên gia về hóa dược đã tham gia phát triển nhiều loại thuốc kháng virus, đến từ ĐH Maryland, nói – “Nó khá là mờ nhạt.”

Các phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng, ngược lại, giúp giảm nguy cơ bị mắc COVID-19 dạng nặng đến 85%. Nhưng chúng lại có giá đắt đỏ và cần được tiêm tĩnh mạch, bởi vậy mà các loại thuốc kháng virus dạng uống được xem là ưu tiên nghiên cứu của các nhà khoa học trên toàn thế giới, với hy vọng điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân có nguy cơ cao ở các vùng nông thôn hay ở các nước không có nhiều nguồn lực.

Không như kỳ vọng

Nhóm nghiên cứu ban đầu của Merck bao gồm 762 người tham gia, họ được cho uống 4 viên thuốc – cả thuốc kháng virus thật lẫn giả dược – cứ 2 lần một ngày, và trong 5 ngày liên tiếp, trong khoảng từ tháng 5 đến đầu tháng 8. Nhóm thứ hai bao gồm 646 người, nhận được cùng loại và số lượng thuốc trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến đầu tháng 10. Tất cả những người tham gia – 80% là ở châu Âu và Mỹ Latin – bắt đầu được điều trị trong khoảng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng COVID-19.

Với mỗi nhóm, các nhà nghiên cứu đã theo dõi người tham gia và xem xem có bao nhiêu người phải nhập viện, tử vong do COVID-19. Trong nhóm đầu tiên, tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong giảm xuống một nửa đối với những người dùng Molnupiravir. Nhưng trong nhóm thứ hai, gần như không có sự khác biệt giữa người uống Molnupiravir và người uống giả dược.

Nicholas Kartsonis, Phó Chủ tịch nghiên cứu lâm sàng tại Merck, nói với hội đồng FDA ngày 30/11 rằng công ty ông không thể giải thích kết quả cực kỳ khác biệt này. Một số thành viên hội đồng chỉ ra rằng, biến chủng Delta vẫn chưa thống trị toàn cầu trong nửa khoảng thời gian cuộc thử nghiệm diễn ra, trong khi nửa thời gian sau của thử nghiệm, biến chủng này đã thống trị.Điều này có thể có nghĩa rằng, Molnupiravir không hiệu quả khi chống lại Delta so với khi chống lại các biến chủng khác.

Sankar Swaminathan, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm tại ĐH Y khoa Utah, cho rằng kết quả trên có thể là do sự khác biệt nhân chủng học giữa hai nhóm, địa điểm nơi mà họ nhập viện hoặc chất lượng chăm sóc y tế mà họ nhận được. Ông Swaminathan là một thành viên của hội đồng tư vấn FDA.

Số phiếu thông qua EUA cho thuốc Molnupiravir là 13, trong khi số phiếu chống là 10. Kết quả này khác xa với kỳ vọng của giới quan sát, sau khi Merck công bố kết quả thử nghiệm sơ bộ. Các thành viên hội đồng đã phải trả qua khoảng thời gian rất khó khăn để quyết định xem liệu lợi ích mà Molnupiravir mang tới có vượt trội nguy cơ hay không.

Cân nhắc về rủi ro tiềm ẩn

Mặc dù Merck báo cáo tỷ lệ tác dụng phụ ở những người dùng Molnupiravir và giả dược là như nhau, nhưng một số nhà nghiên cứu vẫn lo ngại về những nguy cơ dài hạn tiềm ẩn của loại thuốc kháng virus này. Cơ chế hoạt động của Molnupiravir là hợp mình vào RNA của virus, gây ra lỗi và làm giảm khả năng nhân bản của SARS-CoV-2.

Gây ra đột biến ở RNA của virus một cách có chủ đích có thể vô tình tạo ra một phiên bản SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn, theo giới phê bình. Trong trường hợp như vậy, các đột biến có thể xảy ra ở protein gai của virus, mà nó dùng để thâm nhập tế bào của con người, khiến virus dễ lây lan hơn hoặc “né” vaccine tốt hơn.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng viễn cảnh sinh ra một phiên bản SARS-CoV-2 hoàn thiện, đủ khả năng chống lại thuốc kháng virus, là khó có thể xảy ra, thậm chí bất khả thi. Ông Kartonis nhấn mạnh rằng Merck không phát hiện ra virus còn sót lại trong cơ thể những người tham gia thử nghiệm sau khi họ hoàn tất khóa điều trị 5 ngày. Nhưng công ty này lại không thử nghiệm thuốc đối với những người bị suy giảm miễn dịch, đây là nhóm người rất khó quét sạch virus khỏi cơ thể họ, dù là với sự hỗ trợ của thuốc kháng virus.

Ngoài xem xét rủi ro với cộng đồng, hội đồng tư vấn FDA còn xem xét cả rủi ro đối với từng cá nhân. Các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, Molnupiravir có nguy cơ tạo ra những đột biến ở DNA của người, đặc biệt là ở những tế bào có khả năng tái sản sinh nhanh như tế bào máu, trong khi các cuộc thử nghiệm ở động vật cho thấy nguy cơ này rất thấp.

Nhìn chung, các thành viên của hội đồng tư vấn khuyến nghị rằng, FDA hoặc là đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối khi sử dụng thuốc Molnupiravir, hoặc chống chỉ định đối với trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, cho đến khi có thêm dữ liệu về tính an toàn của nó.

Vẫn còn hy vọng

Trong lúc con số người chết do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu, giới chức y tế nhiều nước từng hy vọng rằng các loại thuốc kháng virus như Molnupiravir có thể được phân phối nhanh chóng trên toàn cầu – đặc biệt trong lúc biến chủng Omicron đang lây lan ngày càng rộng.

Mặc dù các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu về tầm ảnh hưởng của Omicron đối với các chủng vaccine COVID-19 và phương pháp điều trị hiện tại, nhưng ông Swaminathan cho rằng biến chủng này rõ ràng là tác động tới tâm lý của các thành viên hội đồng tư vấn FDA trong cuộc họp vừa qua. Ông nói rằng, do cách thức hoạt động của Molnupiravir nên về mặt lý thuyết, đáng lẽ ra nó sẽ có tác dụng với mọi phiên bản SARS-CoV-2, nhưng dữ liệu thử nghiệm đối với biến chủng Delta lại cho thấy rằng điều này có thể không đúng.

Một loại thuốc kháng virus có thể chống lại tất cả các phiên bản của SARS-CoV-2 nghe có vẻ viển vông, đặc biệt là nếu các loại thuốc kháng thể đơn dòng hiện nay thất bại trong việc chống lại Omicron hay một biến chủng trong tương lai. Trong viễn cảnh đó, ông Swaminathan cho rằng “chúng ta sẽ bị hạn chế một cách nghiêm trọng trong việc giảm tỷ lệ nhập viện”.

Mỹ không phải quốc gia đầu tiên xem xét về việc cấp phép cho Molnupiravir. Ngày 4/11, Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) trở thành nước đầu tiên phê duyệt Molnupiravir, và giữa tháng 11, hãng Beximo Pharmaceuticals của Bangladesh, trụ sở ở Dhaka, đã bắt đầu bán phiên bản generic của loại thuốc này ở trong nước.

Trong khi còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính hiệu quả và nguy cơ tiềm ẩn của Molnupiravir, giới chức y tế nhiều nước đang tìm kiếm các loại thuốc thay thế.

Đầu tháng 11, hãng Pfizer, trụ sở tại thành phố New York, tuyên bố kết quả sơ bộ cho thấy thuốc kháng virus có tên Paxlovid của họ giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong tới 89%, nhưng dữ liệu đầy đủ vẫn chưa có. Cơ chế hoạt động của Paxlovid khác với Molnupiravir.

Theo Nature