Điều trị COVID-19 từ xa: Bác sĩ BV Chợ Rẫy nói về việc đưa thuốc đặc trị Molnupiravir đến tay F0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ 25/8, các F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM được cung cấp thuốc đặc trị Covid-19 Molnupiravir. BS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy - có cuộc trao đổi với VietTimes về vấn đề này.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy có cuộc trao đổi với VietTimes về vấn đề đưa thuốc đặc trị Molnupiravir tới bệnh nhân COVID-19
Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy có cuộc trao đổi với VietTimes về vấn đề đưa thuốc đặc trị Molnupiravir tới bệnh nhân COVID-19

Niềm hy vọng cho bệnh nhân COVID-19

*Phóng viên: Bên cạnh thuốc kháng viêm, kháng đông máu, F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM từ hôm nay 25/8 sẽ được cung cấp thêm thuốc đặc trị Molnupiravir trong Túi thuốc điều trị F0 tại nhà. Thưa bác sĩ, liệu đây có phải là niềm hy vọng cho bệnh nhân COVID-19?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Thuốc đặc trị Molnupiravir được Ấn Độ phát triển, đã nghiên cứu thử nghiệm đến giai đoạn 3, có tác dụng làm rối loạn sao chép RNA của virus, các lõi RNA bị lỗi, sao chép sẽ không hoàn thiện quá trình hình thành các con virus mới. Đây là một kỳ vọng lớn của các nhà chuyên môn, hứa hẹn khả năng thuốc đặc trị này làm cho virus không tiếp tục nhân lên. Ngoài ra, hiện nay trên thế giới chưa có bất cứ thuốc nào tác động thẳng được vào để diệt virus này.

*Theo Bộ Y tế, thí điểm điều trị F0 cách ly tại nhà với thuốc đặc trị Molnupiravir, các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được ký văn bản đồng ý tự nguyện tham gia chương trình, bệnh nhân được phát 1 túi thuốc Molnupiravir điều trị tại nhà (home-based care). Bệnh nhân có thể yên tâm tự điều trị tại nhà không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Có đến 78% đến 80% người đã uống thuốc này trở nên âm tính sau 5 ngày dùng thuốc. Trong tình hình hiện nay, số F0 bùng phát khá nhiều và đang cách ly tại nhà rất đông như thế, thì thuốc đặc trị này là một giải pháp tốt. Đây là những cố gắng cao của Bộ Y tế để giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong.

Thuốc Molnupiravir có 2 nguồn, nguồn thứ nhất là nhập khẩu, nguồn thứ hai là sản xuất trong nước theo chuyển giao công nghệ từ Ấn Độ. Với khả năng giảm bệnh nhiều và nhanh đến 80% thì khả năng phát triển bệnh và khả năng bệnh nhân chuyển nặng sẽ được giảm nhanh trong thời gian tới. Tuy thế, thuốc đã được thử nghiệm tới giai đoạn 3 ở Ấn Độ và vẫn cần Việt Nam thực hiện đầy đủ các thủ tục thử nghiệm giai đoạn 3 về sau để đảm bảo an toàn cho người Việt.

Không nên coi Molnupiravir là thuốc điều trị hoàn toàn, mà kết hợp giữa điều trị và theo dõi, nghiên cứu. Theo tôi được biết, sau 5 ngày uống Molnupiravir, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỷ lệ âm tính với Covid-19 và tỷ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân cũng sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh Covid-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc Molnupiravir.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng chỉ ra những điều giúp F0 cách ly tại nhà có thể tin tường, hy vọng

Bác sĩ Lê Quốc Hùng chỉ ra những điều giúp F0 cách ly tại nhà có thể tin tường, hy vọng

Có hay không triệu chứng thầm lặng giết chết nhiều bệnh nhân?

*Các F0 cách ly tại nhà đều có những triệu chứng kinh điển như sốt, ho, đau họng, nhức mỏi người, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, mất khứu giác, vị giác… Đa số sau khi thấy xuất hiện triệu chứng thì cũng tự khỏi. Tuy nhiên, một số F0 bị tăng nặng bất ngờ, đột ngột khó thở đến mức nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời thì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Có thể giải thích sao về điều này, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Các F0 cách ly tại nhà cần xác định xem bệnh nhân có dấu hiệu bị tổn thương phổi hay không. Khó thở có thể coi là dấu hiệu F0 chuyển nặng. Dấu hiệu này cho thấy F0 đã bắt đầu suy hô hấp ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, dấu hiệu khó thở cũng rất khó để nhận biết chính xác. Giữa các F0 có bệnh nền, bệnh mãn tính khác nhau sẽ có ngưỡng thở khác nhau.

Có thể dùng máy đo Sp02 để đo nồng độ ôxy trong máu, phương pháp đếm nhịp thở để kiểm soát mức độ tăng nặng của bệnh. Người bình thường thì có 16-18 nhịp thở/1 phút. Nếu trên 20 nhịp thở/1 phút là có dấu hiệu tăng nặng, người bệnh đã phải cố gắng khi thở. Bước thử 10 bước xem có bị hụt hơi ngộp thở không. Khi hít sâu có bị cản trở khó hít thở hay không? Nếu gặp phải những triệu chứng này thì có dấu hiệu tăng nặng.

Tuy nhiên, sẽ không thể bất ngờ khi đang thở bình thường lại trở nên khó thở đâu. Do tâm lý thông thường, ai cũng cứ nghĩ chuyện lây nhiễm là của người khác, không phải của mình, người khác bị nhiễm là do phòng bị không kỹ chứ mình phòng bị kỹ rồi. Cho nên đến khi thấy mình thành F0 thì tâm lý bị tác động nhiều, trở nên lo lắng. Các bệnh nhân này đều không sẵn sàng đối diện với thực tế lây nhiễm.

Con virus này thực ra nó rất đơn giản, nó không đủ tinh vi để cảm giác được bệnh nhân đang lo lắng để tấn công mạnh hơn. Nên hiểu đơn giản thế này, đáp ứng tự nhiên của cơ thể nếu hệ miễn dịch tốt thì sẽ tự động chống trả được với sự phát triển của con virus này. Còn khi cơ thể bị suy sụp, hệ thống kháng thể sẽ giảm đi, hệ miễn dịch suy giảm, thì virus sẽ có điều kiện tấn công mạnh hơn, điều này sẽ khiến bệnh nhân trở nên rất mệt mỏi.

Cấp cứu kịp thời các bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền hoặc chuyển nặng

Cấp cứu kịp thời các bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền hoặc chuyển nặng

*Thưa bác sĩ, hay là ở một số bệnh nhân bất ngờ tăng nặng đã xuất hiện triệu chứng “bão cytokine”?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - “Bão cytokine” là giai đoạn cuối cùng của bệnh, bị nặng lắm rồi mới tổn thương đa tạng chứ không phải giai đoạn mới đã cảm thấy mệt mỏi. Khi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đã rối loạn rồi, cơ thể tiết ra rất nhiều chất để bảo vệ cơ thể nhưng vì nhiều quá nên gây phản ứng ngược, tổn thương nhiều đến các cơ quan nội tạng khác. Người bệnh COVID-19 khi bị “bão cytokine” tấn công dễ trở nặng và nguy cơ tử vong cao và điều này thường chỉ xảy ra tại cơ sở y tế vào thời điểm bệnh nhân đã phải thở máy rồi.

*Corticosteroid là nhóm ức chế viêm không chọn lọc, nên việc sử dụng sẽ có thể có nhiều tác dụng phụ. Thế nhưng, thời gian vừa rồi, Sở Y tế TP.HCM vẫn khuyến cáo Corticosteroid trong nhóm thuốc điều trị cho F0 cách ly tại nhà, bác sĩ có ý kiến gì về đơn thuốc này?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng:- Bệnh nhân có thể yên tâm là tác dụng phụ với corticosteroidchỉ xảy ra khi uống rất nhiều, kéo dài khoảng vài tháng, còn liều lượng điều trị cho bệnh nhân trong vòng 5-7 ngày thì không sợ tác dụng phụ. Hơn nữa, các loại thuốc kháng đông, kháng viêm nói trên là Sở Y tế TP.HCM đang hướng dẫn cho cơ sở y tế địa phương để điều trị cho F0 cách ly tại nhà, chứ không phải thuốc phát cho F0 tới tận nhà.

Phác đồ mới nhất của Bộ Y tế đã thay đổi đến lần thứ 5 rồi, dựa trên thực tế điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Tại tâm dịch TP.HCM rất nhiều bác sĩ đã phải sử dụng sớm các thuốc trên để cứu được bệnh nhân. Sự thay đổi trong hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM trong 2 lần ra văn bản khẩn tất nhiên là việc không hay, khiến dấy lên những nghi ngờ ngoài chuyên môn, nhưng nó chỉ là sai sót về mặt hành chính thôi. Văn bản thay đổi là để hướng dẫn chi tiết hơn cho các bác sĩ cấp cứu sử dụng sớm Corticosteroid và thuốc kháng viêm, chống đông máu cho bệnh nhân COVID-19, dựa trên các bằng chứng khoa học và ý kiến chuyên gia.

*Xin cám ơn ông!