|
BS CKII. Đỗ Thị Phương Mai – Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy |
PV: Xin bà cho biết, các bác sĩ tại Bệnh viện đã học hỏi phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trên thế giới vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở Việt Nam như thế nào?
BS CKII. Đỗ Thị Phương Mai: Hiện, chúng tôi đã tìm những loại thuốc và liều lượng thích hợp với người Việt Nam, có tác dụng phụ phù hợp. Ví dụ như thuốc Aluvia là thuốc được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Đây là 1 trong những loại thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện.
Thực tế, chúng tôi đã nắm chắc được hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc, nên việc điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc Aluvia sẽ nhẹ nhàng hơn so với phác đồ có sử dụng thuốc Chloroquine.
PV: Bệnh viện đã phát triển những phương pháp, kỹ thuật gì để điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc COVID-19, thưa bà?
BS CKII. Đỗ Thị Phương Mai: Hiện, Bệnh viện đã và đang phát triển việc định lượng virus SARS-CoV-2. Nếu định lượng được virus thành công, các bác sĩ sẽ xác định được bệnh nhân nhiễm virus dương tính yếu đến mức độ nào, đánh giá được phác đồ điều trị có đáp ứng với tình trạng bệnh và có hiệu quả hay không.
PV: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân tăng lên nhiều hơn so với trước. Vậy có nhiều trường hợp mắc bệnh nặng không, thưa bà?
BS CKII. Đỗ Thị Phương Mai: Đến thời điểm hiện tại, lượng bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện đang tăng lên nhanh so với trước, có nhiều bệnh cảnh lâm sàng, một số bệnh nhân nặng phải dùng máy thở, lọc máu, hồi sức tích cực,…
Do đó, ngày nào chúng tôi cũng ngồi lại với nhau để hội ý về từng trường hợp của các bệnh nhân cũng như theo dõi hướng dẫn từ Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế.
PV: Trong quá trình điều trị cho 11 bệnh nhân mắc COVID-19 đã gặp những khó khăn gì thưa bà?
BS CKII. Đỗ Thị Phương Mai: Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thực sự khó khăn bởi virus SARS-CoV-2 là một virus mới, cơ chế gây bệnh chưa rõ ràng.
Khi tiến hành điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ phải tham khảo rất nhiều tài liệu của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước đã và đang có dịch COVID-19. Các bác sĩ đã và đang tích cực nghiên cứu nhiều phác đồ để tiến hành điều trị cho bệnh nhân.
Thực sự chúng tôi đã và đang băn khoăn, trăn trở rất nhiều để có phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh, không phải đưa xuống khoa Cấp cứu.
Thực tế, các bệnh nhân mắc COVID-19 có nhiều thay đổi bất thường trong quá trình điều trị. Cụ thể xét nghiệm Realtime-PCR có thể cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 sau đó lại cho kết quả dương tính; bệnh nhân có thể sốt hoặc gặp phải các tác dụng phụ của thuốc,… Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng giúp đỡ bệnh nhân không gặp phải những tác dụng phụ của thuốc hoặc chấp nhận tác dụng phụ của thuốc một cách nhẹ nhàng hơn.
PV: Bà có cảm xúc như thế nào khi biết thông tin bác sĩ đầu tiên tại Bệnh viện mắc COVID-19?
BS CKII. Đỗ Thị Phương Mai: Khi nhận được thông tin này, tôi cũng như các bác sĩ tại Bệnh viện cảm thấy vô cùng lo lắng. Tuy nhiên chúng tôi không thấy sợ. Để chủ động phòng bệnh, các bác sĩ đã rà soát lại toàn bộ các quy trình chống nhiễm khuẩn để kiểm tra chặt chẽ hơn nữa, đồng thời, tập huấn lại cho toàn bộ các y, bác sĩ khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thì phải làm những việc gì, thực hiện đúng quy trình nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo.
PV: Cảm ơn bà!
Minh Thúy (Thực hiện)