Tại hội thảo về tác hại của thuốc lá và sự cần thiết phải tăng thuế thuốc lá, do Bộ Y tế tổ chức sáng nay (8/5), các chuyên gia tiếp tục lên tiếng về những hậu quả của thuốc lá với sức khoẻ con người.
Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) – cho biết thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó 69 chất gây ung thư, là nguyên nhân của 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, bệnh về hô hấp và sinh sản.
Theo WHO, mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người Việt, trong đó có hơn 84.000 người tử vong do hút thuốc chủ động và gần 19.000 người tử vong do hít phải khói thuốc thụ động.
Không dừng lại ở thiệt hại sức khỏe, việc sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất kinh tế khổng lồ. Theo khảo sát của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, trong khi thuế thu được từ thuốc lá ở Việt Nam chỉ hơn 20 nghìn tỷ đồng, thì phải chi khoảng 110 nghìn tỷ, gấp 5 lần số thu, cho các bệnh do thuốc lá và tử vong vì thuốc lá.
Giá thuốc lá rẻ, sức mua ngày càng cao
Dù hậu quả rõ ràng, thuốc lá tại Việt Nam vẫn quá rẻ và dễ tiếp cận. Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam chỉ ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá, với mức tăng khiêm tốn: Từ 55% lên 75% trong hơn 10 năm. Các lần tăng thuế diễn ra cách xa nhau và không đủ lớn để kìm hãm tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển DEPOCEN - mỗi lần tăng thuế chỉ khiến tiêu dùng giảm trong ngắn hạn, sau đó lại tăng trở lại. Một phần do thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh trong khi thuế tăng quá ít. Chỉ số "Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập bình quân" giảm từ 11,43% (năm 2000) xuống chỉ còn 1,36% (năm 2021) – cho thấy người dân ngày càng dễ dàng mua thuốc lá hơn.
Biểu đồ tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam từ 2015 đến 2023 cho thấy sản lượng tiêu dùng nội địa vẫn duy trì ở mức cao và tăng trở lại trong các năm gần đây, bất chấp các đợt tăng thuế nhỏ giọt.
Thuế thuốc lá của Việt Nam quá thấp so với khu vực
Hiện nay, thuế TTĐB chỉ chiếm 36% giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam – thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO là 75%. Sự chậm trễ và dè dặt trong chính sách thuế đang khiến Việt Nam tụt hậu rõ rệt so với các quốc gia trong khu vực.
Tại Thái Lan, từ năm 1993 đến 2017, nước này đã tăng thuế thuốc lá đến 11 lần. Tỷ lệ thuế TTĐB hiện nay chiếm 78,6% giá bán lẻ, giúp giảm tỷ lệ hút thuốc từ 32% xuống còn 19,1%. Mặc dù tiêu dùng thuốc lá của Thái Lan chỉ khoảng 1,7 tỷ bao/năm – chưa bằng một nửa Việt Nam – nhưng doanh thu thuế đạt tới 2,1 tỷ USD, cao gấp gần 3 lần Việt Nam (chỉ 767 triệu USD).
Tương tự, Philippines đã cải cách thuế thuốc lá từ năm 2012. Đến năm 2022, thuế thuốc lá chiếm 71,3% giá bán lẻ, giúp tăng doanh thu từ 680 triệu USD lên 2,9 tỷ USD, trong khi tỷ lệ hút thuốc giảm mạnh từ 27% xuống còn 19,5%.
Tăng thuế thuốc lá: Lợi kép cho sức khỏe và ngân sách
Các bài học từ Thái Lan và Philippines cho thấy tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất để giảm tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách. Việc giữ mức thuế thấp như hiện nay không những khiến Nhà nước thất thu mà còn làm gia tăng gánh nặng y tế và tử vong cho xã hội.
Bà Phan Thị Hải lưu ý nếu không hành động kịp thời, Việt Nam sẽ tiếp tục phải trả giá bằng mạng sống, kinh phí điều trị, và sự tụt hậu trong tiến trình hội nhập. Đây là thời điểm Việt Nam cần một chính sách thuế dũng cảm và tiến bộ hơn, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và tránh để tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống tác hại thuốc lá.