Gánh nhiều thuế phí, vẫn "phù hợp"
Mặc dùgiá xăngdầu kể từ đầu năm đến nay đã giảm đến 7 lần với tổng mức giảm lên đến 5.588 đồng/lít tuy nhiên một số chuyên gia vẫn cho rằng, giá xăng có thể giảm sâu hơn nữa nếu không phải "gánh" quá nhiều thuế, phí.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 19/8/2015 đến hết ngày 2/9/2015 là 58,299 USD/thùng xăng RON 92, Trong khi tại kỳ điều hành trước đó (ngày 19/8), bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 4/8/2015 đến hết ngày 18/8/2015 là 65,694 USD/thùng xăng RON 92.
Theo đó, ngày 3/9 vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định giảm 1.200 đồng/lít xăng RON 92.
Tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho thấy, với tỷ giá bình quân 15 ngày (Ngân hàng Vietcombank) VNĐ/USD là 22.507, giá CIF 60,80 USD/thùng, giá CIF tính giá cơ sở là 8.474 đồng/lít, giá CIF tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 8.241 đồng/lít.
Với việc, thuế nhập khẩu chiếm tới 20%, tương đương 1.648 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, tương đương 989 đồng/lít.
Chi phí định mức là 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, Quỹ bình ổn xăng dầu là 300 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.576 đồng/lít.
Như vậy, chỉ tính riêng các khoản thuế, phí đã lên đến 5.863 đồng/lít, bằng 69% giá CIF tính giá cơ sở và bằng 33,8% giá xăng bán lẻ hiện được niêm yết tại Petrolimex (17.330 đồng/lít).
Giá xăng RON 92 bán lẻ trong nước và giá dầu Brent trên sàn Singapore. Nguồn: VietnamPlus
Trả lời câu hỏi có thể giảm bớt các chi phí để giảm giá xăng hay không, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 4/9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong cơ cấu giá xăng hiệu có nhiều loại thuế phí, do đó, muốn tăng hay giảm đều được nhưng phải phù hợp theo tình hình thực tế.
Ông Hải nhấn mạnh rằng, hiện giá xăng dầu của Việt Nam đã phù hợp với giá thế giới. Nếu so sánh với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng ở cạnh, thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam không phải ở mức cao. Cụ thể, giá xăng Việt Nam đứng thứ 47, thấp hơn so với Lào, Campuchia, Trung Quốc.
"Chúng ta phải nhập về, giá thế giới bán cao thì mình bán giá cao, giá thế giới giảm thì bán thấp. Nếu thấp quá sẽ xảy ra tình trạng buôn lậu sang các nước khác như Lào, Campuchia", ông Hải nói.
Doanh nghiệp sẽ không nhập xăng dầu vì nhập là lỗ
Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, điều hành xăng dầu không chỉ ở yếu tố giá còn phải đảm bảo an ninh năng lượng. Xăng dầu liên tục giảm nếu không có sự quản lý của nhà nước doanh nghiệp sẽ không nhập xăng dầu vì cứ nhập sẽ bị lỗ.
Việc giá xăng dầu thế giới liên tục sụt giảm ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nếu không có sự quản lý của nhà nước, doanh nghiệp sẽ không nhập xăng dầu vì càng nhập doanh nghiệp càng lỗ.
Cách quản lý của nhà nước được ông Hải đề cập đến là việc yêu cầu doanh nghiệp phải dự trữ tồn kho xăng dầu 30 ngày.
Từng trao đổi với BizLIVE, ông Vũ Văn Chiến, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) cho biết, tỷ giá tăng trong khi hàng nhập khẩu bằng USD đã ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp. "Ba lần điều chỉnh, thống kê ước tính PLC mất khoảng 48 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. Tính chung toàn Tập đoàn, con số có thể lên đến hơn 200 tỷ đồng", ông Chiến nói.
Ngoài ra, với số dư nợ bình quân tính đến thời điểm hiện tại là 50 triệu USD, ông Chiến cho biết, lỗ tỷ giá ước tính từ khoản nợ vay này là 30 tỷ đồng.
Ông Chiến cũng nhấn mạnh, giá dầu thế giới giảm mạnh thời gian qua cũng tác động đến các chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu của doanh nghiệp.
"Khi các đơn vị kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng nhập khẩu có tồn chứa, giá xuống luôn luôn bị lỗ vì tồn kho do cứ nhập dự trữ khoảng 1 tháng, nhập 400 USD/tấn bán 1 tháng sau mới hết tồn kho giá 350 USD. Như vậy, tồn kho mất 50 USD/tấn", ông Chiến thông tin.
NGUYỄN THẢO theo BizLive