Thuê bao băng rộng di động của Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Bộ TT&TT vừa công bố số liệu về thuê bao điện thoại của Việt Nam tính đến hết tháng 6/2020. Theo đó, tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam ước tính đạt 130,44 triệu thuê bao, giảm 7,5 triệu so với cùng thời điểm năm trước. Hiện Việt Nam có 126,95 triệu thuê bao di động, giảm 6,9 triệu so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số thuê bao băng rộng di động lại tăng khá tốt khi cán mốc 65,33 triệu thuê bao, tăng hơn 8 triệu so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham vấn doanh nghiệp, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G và 5G, đồng thời đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G. Bộ TT&TT sẽ cho dừng công nghệ 2G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới.
Theo ước tính của các mạng di động, doanh thu từ dịch vụ thoại đang giảm mạnh ở mức khoảng 16% mỗi năm. Trong đó, số lượng thuê bao băng rộng di động tăng nhanh nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của dịch vụ thoại. Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho hay, nhu cầu sử dụng dịch vụ thoại của người dân và doanh nghiệp giảm. Khách hàng có xu hướng dùng các dịch vụ OTT để liên lạc thay cho dịch vụ thoại truyền thống như trước đây.
Đại diện Viettel Telecom cũng cho rằng, doanh thu dịch vụ thoại giảm do khách hàng thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ. Cước dịch vụ data giảm đã góp phần thúc đẩy người dân sử dụng Internet băng rộng nhiều hơn.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT nhận định, xu thế giảm doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống của Việt Nam đi nhanh hơn so với thế giới. Đây là hệ quả của một loạt yếu tố như thuê bao di động bão hòa, giá cước liên tục giảm giá để cạnh tranh giữa các nhà mạng, sự phổ biến của dịch vụ gọi điện, nhắn tin trên OTT.
Theo con số công bố của VNPT, doanh thu dịch vụ data của VNPT năm 2019 tăng trưởng gần 20%. Lưu lượng dịch vụ data có mức độ tăng trưởng trong năm 2019 gần 3 lần nhưng doanh thu chỉ tăng 18,6%. Nguyên nhân là thị trường viễn thông di động đang chứng kiến hiện tượng cạnh tranh quá mạnh, dẫn tới các dịch vụ chủ lực trong đó có data dù lưu lượng tăng gấp 3 lần, khách hàng tăng nhưng doanh thu tăng rất thấp và không tương xứng.
Trước vấn đề này, Bộ TT&TT cho rằng, các nhà mạng cần nghiên cứu một số xu hướng của thế giới sẽ ảnh hưởng đến thị trường viễn thông Việt Nam như tác động của IoT, dịch vụ xuyên biên giới. Bên cạnh đó, thế giới đã xuất hiện nhiều bối cảnh mới có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến các dịch vụ hạ tầng ví dụ như hệ thống Wi-Fi Free của Google Station hay hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp cung cấp Internet giá rẻ đến hộ gia đình.
Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu đưa ra cách thức quản lý phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông trong thời gian tới. Bộ TT&TT cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để mở rộng không gian cho hoạt động của các doanh nghiệp từ hạ tầng viễn thông truyền thống chuyển đến hạ tầng số, phát triển các dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.