Nội dung xoay quanh chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và tiếng Đức được Bộ GD&ĐT vừa ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/2/2021. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay, thông tin lan truyền trên mạng xã hội không đúng bản chất vấn đề.
Vấn đề môn tiếng Hàn gây tranh cãi MXH. |
Trong quyết định mới ban hành, môn tiếng Hàn cùng tiếng Đức được Bộ GD&ĐT bổ sung và danh sách ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12, hệ thí điểm 10 năm. Mục đích của môn học là trang bị kiến thức và kỹ năng học tập ngoại ngữ, giúp học sinh có thể vận dụng hiệu quả trong giao tiếp. Xa hơn nữa, đào tạo đa dạng ngoại ngữ có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước trong tương lai.
Phụ huynh lo con em “quá sức”
Theo quy định, nội dung cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Theo Bộ GD&ĐT, các nội dung này được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.
Chương trình học được xây dựng phù hợp với khả năng tiếp nhận và nhu cầu của học sinh. Kết thúc chương trình phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể, học sinh kết thúc lớp 6 đạt Bậc 1, kết thúc cấp THCS (lớp 9) đạt Bậc 2 và kết thúc cấp THPT (lớp 12) đạt Bậc 3.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại về khả năng của học sinh khi tiếp cận ngoại ngữ mới. Có người cho rằng, học tiếng Anh còn chưa "đến nơi đến chốn", liệu các ngôn ngữ tượng hình có quá khó đối với học sinh tiểu học?
Một tài khoản mạng xã hội nêu quan điểm. |
"Tiếng Anh còn lao đao, chưa thành thạo mà bảo học thêm tiếng Hàn, tiếng Đức nghe chênh vênh quá" - tài khoản Toàn July viết.
Tuy nhiên, phụ huynh có lẽ đang hiểu sai về quyết định này. Bộ GD&ĐT cho hay, không có chuyện "bắt buộc" học tiếng Hàn hay tiếng Đức, đây chỉ là 2 trong 7 môn ngoại ngữ 1 theo quy định của Bộ. Học sinh sẽ được lựa chọn ngoại ngữ 1 theo khả năng và nhu cầu.
Hiểu rõ khái niệm “ngoại ngữ 1”, “ngoại ngữ 2”
Bộ GD&ĐT giải thích, "ngoại ngữ 1” là ngoại ngữ bắt buộc, “ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu và điều kiện đào tạo của các trường.
Quyết định của Bộ GD&ĐT. |
Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006, học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp hoặc tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ 1. Năm 2011, Bộ GD&ĐT bổ sung tiếng Nhật làm ngoại ngữ 1 bậc giáo dục phổ thông. Quyết định vừa qua bổ sung thêm tiếng Hàn và tiếng Đức vào danh sách ngoại ngữ 1. Căn cứ vào đó, các trường sẽ bắt buộc chọn dạy 1 trong 7 thứ tiếng trên.
Căn cứ vào ngoại ngữ 1, học sinh có thể chọn thêm một môn nữa trong danh sách để làm ngoại ngữ 2. Theo đó, 2 ngoại ngữ này là thí điểm giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12, học sinh có thể lựa chọn học hoặc không.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh: “Học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào trong các môn thuộc nhóm Ngoại ngữ 1 mà không cứng nhắc bắt buộc phải học môn Tiếng Hàn”.
Bộ GD&ĐT cho hay, việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học và phải đăng ký với Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.
Sau thời gian dạy thí điểm hai ngôn ngữ tiếng Hàn và tiếng Đức là ngoại ngữ 1, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi. Qua đó, Bộ xem xét việc đưa hai môn học này chính thức trở thành ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.