Làm thế nào để doanh nghiệp giữ chân người lao động trong mùa COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lương, thưởng và chế độ phúc lợi là yếu tố hàng đầu được người lao động quan tâm khi chuyển việc. Nắm bắt kỳ vọng của người lao động giúp các doanh nghiệp tìm kiếm và giữ chân người lao động hiệu quả hơn.
Lương, thưởng và chế độ phúc lợi là yếu tố hàng đầu được người lao động quan tâm khi chuyển việc
Lương, thưởng và chế độ phúc lợi là yếu tố hàng đầu được người lao động quan tâm khi chuyển việc

Mới đây, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng Navigos Group đã công bố báo cáo “Thị trường Nhân sự 2021: Cơ hội việc làm – Thách thức trong tuyển dụng và Mức lương hiện hành của người lao động”. Theo đó, báo cáo dựa trên kết quả khảo sát 6.000 ứng viên, chỉ ra cơ hội và thách thức về việc làm và tuyển dụng trong khoảng 35 ngành trên thị trường.

52% người lao động sẽ đi tìm việc trong vòng từ 3 tháng – 6 tháng tới

Hơn một nửa số ứng viên được khảo sát cho biết họ sẽ tìm công việc mới trong vòng 6 tháng đầu năm 2021. Mặt khác, 13% người lao động có nhu cầu tìm việc mới trong năm nay. Theo đó, lương, thưởng và chế độ phúc lợi là yếu tố hàng đầu được quan tâm khi chuyển việc.

Theo kết quả khảo sát, tháng lương thứ 13 đang là phúc lợi lớn nhất của người lao động với 82% ý kiến đồng tình. Đứng thứ hai là các phúc lợi về sức khỏe và y tế chiếm 51%. Phụ cấp đi lại, ăn uống, tiếp khách đang đứng thứ ba với 31% ý kiến. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc còn phụ thuộc vào các yếu tố khác tùy theo cấp bậc nhân viên.

Cụ thể, “Nhóm ứng viên cấp cao” gồm Giám đốc, Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc coi trọng những yếu tố đặc thù khi tìm việc hơn so với các cấp còn lại. Cấp Phó giám đốc/Giám đốc quan tâm đến chế độ lương thưởng phúc lợi, văn hóa công ty và phong cách người quản lý. Trong khi đó, nhóm ứng viên thuộc Ban điều hành thường quan tâm nhiều đến cơ hội cân bằng công việc và cuộc sống bên cạnh 2 yếu tố lương thưởng và phong cách quản lý.

Đối với “Nhóm ứng viên mới ra trường”, “Nhóm đi làm có kinh nghiệm”, “Nhóm Giám sát/Quản lý”, “Nhóm Trưởng phòng” cho rằng 3 yếu tố quan trọng nhất khi tìm việc là lương thưởng - chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và cơ hội đào tạo.

Có thể thấy, lương thưởng và phúc lợi là lý do chính để thu hút người lao động khi tìm việc làm. Khi được hỏi về sự hài lòng với chế độ phúc lợi hiện tại, chỉ có 30% người tham gia khảo sát đồng ý, trong đó có 24% cảm thấy khá hài lòng, 6% cảm thấy hoàn toàn hài lòng. Đáng nói, có đến 45% người lao động cho biết họ cảm thấy chế độ phúc lợi hiện tại chỉ ở mức độ trung bình so với kỳ vọng. Còn lại 25% người lao động không hài lòng với công việc hiện tại. Theo thống kê, mức độ hài lòng với phúc lợi tỷ lệ thuận với cấp bậc, cấp bậc càng cao thì mức độ hài lòng với chế độ phúc lợi càng tăng.

Do sự tác động của đại dịch COVID-19, chế độ phúc lợi của nhân viên tại nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Khảo sát cho thấy, có 26% ứng viên cho biết đã bị cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau, từ 10% - 50% tùy theo đặc thù công việc.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm phúc lợi do dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm phúc lợi do dịch COVID-19.

Doanh nghiệp gặp thách thức về lĩnh vực nhân sự

Mặc dù khảo sát được thực hiện trong giai đoạn khó khăn vì COVID-19, có đến hơn 50% người tham gia khảo sát vẫn kỳ vọng sự bứt phá của nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh trong thị trường tuyển dụng nhân sự. 74% ứng viên tham gia khảo sát cho biết, lương thưởng và chế độ đãi ngộ là yếu tố quan trọng hàng đầu khi họ cân nhắc chuyển việc. Tiếp theo là các cơ hội thăng tiến và các cơ hội được đào tạo và phát triển, lần lượt chiếm 37% và 34%. Kỳ vọng không ngừng về lương, thưởng, phúc lợi từ người lao động là thách thức đối với doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.

Qua báo cáo này, các doanh nghiệp có cơ sở để điều chỉnh mức lương dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường cũng như hiểu rõ các yếu tố quan trọng của ứng viên khi tuyển dụng. Navigos Group cũng đề xuất một số giải pháp cho doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh, đồng thời giữ chân nhân sự giỏi. Thứ nhất, doanh nghiệp cần cải tiến, xây dựng cơ chế lương thưởng cạnh tranh dựa trên thực tế của thị trường và tiềm lực của doanh nghiệp. Thứ hai, các chế độ phúc lợi xã hội có giá trị thực tiễn đối với người lao động là điều đáng chú ý đối với mọi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo tổ chức nên hiểu rõ đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao trong đơn vị, từ đó xây dựng các cơ chế lương, thưởng và các chế độ phúc lợi phù hợp với từng nhóm nhân viên. Công tác xây dựng, cải tiến lộ trình về nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên, xác định các cơ chế tăng lương, thưởng hợp lý cũng là phương án tối ưu để tạo động lực cho nhân sự, củng cố niềm tin trong doanh nghiệp.