Một vài tờ báo Anh mới đây gây xôn xao khi đăng thông tin về ngôi làng nhỏ Ringaskiddy thuộc hạt Cork, Ireland - nơi có một nhà máy hóa dược lớn của tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Pfizer (Mỹ) xây dựng từ năm 1997.
Chỉ hít khói cũng 'lên'?
Nguồn tin cho rằng từ năm 1998, khi nhà máy bắt đầu sản xuất Sildenafil citrate - loại nguyên liệu chính để làm ra thuốc cường dương Viagra, không khí ở đây bị nhiễm hơi thuốc bay ra từ nhà máy.
Điều này khiến cho nam giới - thậm chí chó đực, bỗng dưng xuất hiện tình trạng dương vật thường xuyên ở trạng thái cương cứng và ham muốn tình dục tăng lên mãnh liệt.
Dân làng cho rằng đời sống chăn gối rất hạnh phúc của cư dân ở đây có được là nhờ cái nhà máy đó. Ở đây, có câu nói đùa về việc này là: "One whiff and you're stiff!" (Chỉ cần hít một hơi là "lên" liền).
Cận cảnh làng Ringaskiddy - Ảnh: The Sun
Tuy nhiên hãng Pfizer đã ra thông cáo báo chí bác bỏ sự việc này và xác định rằng chuyện đó chỉ là "lời đồn thổi rất buồn cười".
Pfizer cũng tuyên bố quy trình sản xuất các loại hóa dược của họ được kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt, không bao giờ lại xảy ra việc rò rỉ và phát tán hơi thuốc như thế. Vả lại, ai cũng biết rằng Viagra chỉ phát huy hiệu lực qua đường uống vào bao tử mà thôi.
Viagra là loại biệt dược rất nổi tiếng dành cho những nam giới bị bệnh bất lực, hay còn gọi là bệnh rối loạn cương dương (ED - erectile dysfunction). Theo một thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 100 triệu nam giới bị mắc chứng bệnh này.
Chỉ riêng năm 2013, doanh số bán ra của Viagra là hơn 2 tỉ USD trên toàn thế giới.
Nhà máy của Pfizer ở Ireland - Ảnh: Getty
Trở lại vụ việc ở ngôi làng Ringaskiddy, dù chỉ là lời đồn thổi nhưng nó cũng làm cho ngôi làng vô danh trở nên nổi tiếng khắp nơi nhờ tin đồn "hít là lên" này.
Có dạo, hãng phim Maverick Entertainment của nữ ca sĩ Madonna dự định đầu tư 1,7 triệu USD làm một bộ phim hài về chủ đề "cương ngoài ý muốn" ở ngôi làng này.
Nhưng mãi cho đến nay, vẫn không thấy tăm hơi gì của bộ phim, có vẻ hãng phim cũng nhận ra rằng đây là chuyện không có thực.
Vô tình lượm được 'bí kíp'
Viên thuốc "cứu rỗi" những bệnh nhân bị rối loạn cương dương - Ảnh: Getty
Một chuyện thú vị khác liên quan đến Viagra là hồi đầu năm 2017 này, bà nghị sĩ Mary Lou Marzian của Hạ viện bang Kentucky (Mỹ) đề xuất một dự thảo luật buộc các ông chồng khi muốn đến bác sĩ xin kê toa cho dùng Viagra phải tuyên thệ là chỉ dùng thuốc này với vợ nhà, đồng thời kèm theo đó là một văn bản "chuẩn thuận" cho chồng được mua Viagra do bà vợ ký.
Có vẻ như bà Marzian muốn ngăn ngừa việc "sử dụng Viagra sai mục đích" của các đức ông chồng ở đây.
Tuy nhiên, ít ai ngờ viên thuốc cực kỳ nổi tiếng nổi tiếng này lại được ra đời từ một sự tình cờ.
Cuối những năm 1980, sự phát triển kinh tế thế giới đem lại nhiều điều tốt đẹp cho con người, nhưng cũng đem lại những hệ lụy về sức khỏe.
Một trong những hệ lụy đó là sự bùng nổ của các nhóm bệnh liên quan đến sự chuyển hóa của cơ thể và chế độ sinh hoạt như huyết áp, đau thắt ngực, tiểu đường… trong khi những loại thuốc hiện có đã lỗi thời, không đem lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh cũng như lợi nhuận tốt cho các hãng bào chế dược phẩm.
Do đó, hãng Pfizer tiến hành nghiên cứu một loại thuốc điều trị huyết áp và đau thắt ngực mới có hoạt chất là Sildenafil citrat. Năm 1992, Pfizer đem Sildenafil thử nghiệm trên người tại Mertir Tidefeel, một thị trấn nhỏ của xứ Wales.
Kết quả thu được rất khả quan, thuốc kiểm soát được huyết áp và triệu chứng đau thắt ngực. Tuy nhiên những nam giới tham gia thử nghiệm cho biết dương vật họ cương cứng hơn bình thường và tăng ham muốn tình dục hơn.
Điều này khiến nhóm nghiên cứu của Pfizer đặc biệt quan tâm, họ thành lập một nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Sildenafil theo hướng dùng điều trị rối loạn cương dương. Từ các năm 1994 và 1995, Pfizer triển khai thử nghiệm lâm sàng ở quy mô toàn thế giới.
Đến năm 1996, Sildenafil bắt đầu được sử dụng điều trị thực nghiệm trên những bệnh nhân có nguyên nhân gây bất lực rõ ràng như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, những bệnh nhân bị tổn thương cột sống…
Đến năm 1996, các kết quả thực nghiệm được chấp nhận và công bố trên các chuyên san y khoa nổi tiếng như British Medical Journal và Journal of Impotence Research. Trong quá trình thử nghiệm, Viagra đã được cho dùng trên 4.000 bệnh nhân và đạt được những kết quả rất khả quan.
Năm 1998, Viagra được Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho lưu hành trên thị trường nước này, bắt đầu một chu kỳ thành công rực rỡ cho Pfizer trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Pfizer đã được Cục Quản Lý Dược thuộc Bộ Y Tế cho phép lưu hành trên thị trưởng nội địa từ tháng 11-2005.