Thúc đẩy kết nối cung - cầu khoa học công nghệ trong trường đại học: Không bên nào được cho mình là nhất

VietTimes – Sáng 26/12/2018, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy kết nối cung - cầu khoa học và công nghệ trong trường đại học”. Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ sự cần thiết phải hợp tác với các doanh nghiệp của nhà trường nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học của thày và trò.
Quang cảnh hội thảo “Giải pháp thúc đẩy kết nối cung - cầu khoa học và công nghệ trong trường đại học".

Theo bà Lê Thị Khánh Vân – Phó Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam, khó khăn trong hoạt động này không phải chỉ từ phía các nhà trường mà ngay cả với doanh nghiệp vì phần đa họ chưa có thói quen tìm kiếm và sử dụng thông tin để ra quyết định và cũng lúng túng trong việc đề xuất ý tưởng, tìm kiếm lựa chọn công nghệ thích hợp để đổi mới sản xuất. Hơn nữa, phần đa các doanh nghiệp chỉ có quy mô nhỏ và vừa, lại thiếu vốn, thiếu năng lực viết dự án, thiếu sức ép đòi hỏi phải đổi mới công nghệ… Các doanh nghiệp cũng chưa có tầm nhìn xa, mang tính chiến lược, chưa có những kế hoạch đổi mới công nghệ dài hạn nhằm đạt được sự phát triển bền vững.

 Bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam.

Còn về phía các nhà trường và viện nghiên cứu thì tình trạng bao cấp kéo dài đã không tạo động lực nghiên cứu sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hơn nữa, thời gian nghiên cứu thường kéo dài 1 - 2 năm, trong khi doanh nghiệp đòi hỏi phải có sản phẩm trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các trường cũng chưa có cơ chế khuyến khích giảng viên hợp tác với doanh nghiệp. Cụ thể là giảng viên trong biên chế nhà nước không được tham gia hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Điều này là không gắn kết lợi ích kinh tế giữa khoa học và sản xuất.

Theo bà Vân, khung pháp lý hiện nay chưa đủ mạnh để cải thiện quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp. Cho đến nay, Nhà nước chỉ có một kênh tương tác, cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp và thực tế chưa thực sự phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để trở thành một quốc gia có sức mạnh thì khoa học công nghệ phải trở thành một nguồn lực đặc biệt và đổi mới công nghệ phải trở thành yếu tố quyết định để duy trì sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vì thế để cung và cầu thực sự gắn kết thì đó phải là nhu cầu thực sự. Doanh nghiệp phải xác định nếu không đổi mới công nghệ thì sẽ không thể tồn tại và có thể phá sản. Nhà trường thì coi việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ là tất yếu và đem lại tài chính để phục vụ các nghiên cứu tiếp theo. Đặc biệt, cả hai bên đều phải hiểu đây là chuyển giao “chất xám” nên đó là mối quan hệ hợp tác mật thiết, lâu dài có mối quan hệ tương hỗ. Không bên nào được cho mình là nhất và bên kia là nhì, mà phải là mối quan hệ cân bằng, đôi bên cùng có lợi thì mới chuyển giao thành công được.

 Ông Phạm Quang Vinh - chuyên gia thương mại hóa độc lập.

Còn theo ông Phạm Quang Vinh - chuyên gia thương mại hóa độc lập, trong khuôn khổ trường đại học, sự đổi mới được hiểu là quá trình chuyển đổi từ tài nguyên trí tuệ (suy nghĩ, ý tưởng, sự hiểu biết) thành tài sản trí tuệ. Và tài sản trí tuệ này phải được đăng ký bảo hộ, được bảo vệ bởi luật pháp. Chính quyền sở hữu trí tuệ sẽ quyết định giá trị thông qua sự thành công của việc thương mại hóa kết quản nghiên cứu. Về phía doanh nghiệp thì mọi quyền sở hữu trí tuệ thường thuộc về duy nhất doanh nghiệp. Cũng cần phải đề cập một thực tế là không thể bắt các nhà khoa học tự đi thương mại hóa những nghiên cứu của mình. Vì thế, chính các nhà trường và viện nghiên cứu cần chính thức hình thành các trung tâm chuyên trách để làm công việc này và kết nối cung - cầu.

Ông Lưu Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội, Chủ tịch Công ty Công nghệ mới Nhật Hải lại đề cập một thực tế là các chuyên gia của nhà trường và viện nghiên cứu ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào việc viết và đăng được nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín song số lượng nghiên cứu, sáng chế được đăng ký chính thức thì ít hơn nhiều. Thực tế này hoàn toàn ngược lại với mong muốn của doanh nghiệp khi muốn hợp tác với họ.

 Ông Lưu Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội, Chủ tịch Công ty Công nghệ mới Nhật Hải

Ông cũng đề cập đến một thực tế không thuận lợi với doanh nghiệp khi đầu tư vào các dự án nghiên cứu có đầu tư của nhà nước là kinh phí đầu tư của họ lại bị kiểm toán. Chính điều này khiến không ít doanh nghiệp muốn tiền đầu tư vào các dự án này. Riêng về vấn đề sở hữu trí tuệ, ông cho rằng cần được đào tạo đầy đủ cho sinh viên ngay trong chương trình đào tạo vì việc này là vô cùng cần thiết.

Theo ông, Nhà nước cần tạo điều kiện phát triển mối quan hệ giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp. Các trường thì hỗ trợ công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nhân viên cho doanh nghiệp còn các doanh nghiệp thì đầu tư kinh phí cho hoạt động của các trường. Tăng cường mối quan hệ này chính là gắn kết cung và cầu giữa nghiên cứu và ứng dụng, là cơ chế huy động các nguồn lực cho giáo dục, đào tạo lao động trí tuệ.

Trong phần thảo luận, đáng chú ý là ý kiến của ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Theo ông, sẽ là thiếu sót nếu chỉ nói đến các đại học trong vấn đề này mà không đề cập đến vai trò của các trường cao đẳng nghề. Chính các trường cao đẳng cũng có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chứ không chỉ là đào tạo tay nghề cho sinh viên của mình. Ông cho rằng, Việt Nam cần học tập mô hình của nhiều nước là trong cơ cấu giảng viên của các trường phải có cả những chuyên gia nghiên cứu đang làm việc ở các doanh nghiệp.

Tổng kết hội thảo, bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, sự hợp tác giữa các nhà trường và doanh nghiệp là tất yếu, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, định hướng khoa học của nhà trường phải gắn với thực tiễn thay vì chỉ mang tính hàn lâm, lý thuyết. Còn về phía các doanh nghiệp cũng phải có những sự chia sẻ, hợp tác thiết thực và không thể quá nóng vội với các kết quả đặt ra.

Ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho biết, bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, Trung tâm sẽ tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức. Thay vì chỉ thương mại hóa các nghiên cứu của thày và trò, Trung tâm đã và sẽ chủ động đón đầu các nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp để đặt yêu cầu nghiên cứu ứng dụng với các địa chỉ cụ thể trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Cũng vì thế mà các diễn đàn kết nối cung - cầu sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên để hai bên cùng có tiếng nói chung.