Ngày 30 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Sau gần bốn năm triển khai Quyết định 2545, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực.
Tuy nhiên, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định 2545. Tính đến ngày 31/12/2019 là 11,33%. Việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn.
Để tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký chỉ thị số 22/CT-TTg gửi các bộ, ngành và các địa phương tích cực thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định 2545 và các Nghị quyết khác của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 1/7/2020.
Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu nghiên cứu để trình cấp thẩm quyền ban hành chính sách về phí dịch vụ thanh toán; Phát triển hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ; Nghiên cứu các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử; Phòng chống rửa tiền trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thành trước ngày 1/7/2020 việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.
Về phía Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử; Nghiên cứu mở rộng các giải pháp cho phép các ngân hàng thương mại tra cứu thông tin tờ khai hải quan, hỗ trợ ngân hàng thương mại trong công tác kiểm soát hồ sơ, chứng từ thanh toán xuất nhập khẩu và hạn chế rủi ro gian lận.
Bộ Y tế được yêu cầu tập trung triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 1/7/2020 việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị POS
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 1/7/2020 việc chỉ đạo, hướng dẫn các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; Xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương tiện thanh toán điện tử.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được yêu cầu tập trung triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ; hoàn thành trước ngày 1/7/2020 việc xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội để có thể kết nối chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thành trước ngày 1/7/2020 việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán.
Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
Tổ chức triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 1/7/2020 việc chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính; kết nối chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tiện lợi và tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành trước ngày 1/7/2020 việc nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ không tiếp xúc, thẻ phi vật lý để thu phí cầu đường, mua vé tàu, xe...
Ngoài ra, Thủ tướng chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 02/NQ-CP.