Thủ tướng: Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, cục bộ, sợ mất lợi ích, sợ va chạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cho rằng người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh rằng cần tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia diễn ra sáng nay (9/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đã thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số Quốc gia.

Phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm

Theo Thủ tướng, cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

Thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải cho 5 đội xuất sắc nhất ở 5 hạng mục của cuộc thi Tm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions 2022 ngay trong chương trình Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải cho 5 đội xuất sắc nhất ở 5 hạng mục của cuộc thi Tm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions 2022 ngay trong chương trình Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10.

Thủ tướng nhấn mạnh: Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia, tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai, nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

8 kết quả tích cực của Chuyển đổi số Quốc gia:

Thủ tướng đánh giá thời gian qua, việc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã đạt được 8 kết quả tích cực:

- Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến;

- Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo;

- Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển;

- Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy;

- Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng;

- An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng;

- Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường;

- Tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.