Thủ tướng: Thương trường là chiến trường, tạo động lực để doanh nhân cống hiến vì đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng "thương trường là chiến trường", cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các doanh nhân cống hiến cho kinh tế đất nước.

Kinh tế tư nhân là trụ cột, cần xóa bỏ mọi định kiến

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 68 được xây dựng, ban hành rất nhanh dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, trong vòng 13 ngày, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết để thể chế hóa và triển khai. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kịp thời, nhanh chóng nhưng cũng rất chu đáo, chất lượng, với tinh thần làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự hội nghị. Ảnh: VGP.

Đánh giá quá trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong gần 40 năm, Thủ tướng cho biết kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, khẳng định vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân góp phần hiệu quả trong huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, khu vực này cũng đóng góp tích cực vào hội nhập quốc tế, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Khu vực kinh tế tư nhân đạt nhiều kết quả nổi bật, theo Thủ tướng số lượng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp vào năm 2000 và 200.000 doanh nghiệp vào năm 2005, tức là tăng gấp 40 lần sau 15 năm. Đến nay, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong nền kinh tế.

Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp lớn nhất vào GDP, chiếm khoảng 50%. Từ năm 2016 đến nay, khu vực này duy trì tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6-8% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.

"Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ", Thủ tướng nói.

Dù có nhiều đóng góp quan trọng, song theo Thủ tướng khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đề ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025 vẫn chưa đạt được. Gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ (gần 70% quy mô siêu nhỏ), sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Năng suất lao động thấp hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước.

Năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

"Thương trường là chiến trường, cần tạo động lực cho chiến sĩ kinh tế"

Từ thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh có thể rút ra 5 bài học kinh nghiệm quan trọng:

Thứ nhất, cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân như một trong những động lực quan trọng nhất và trụ cột chính của nền kinh tế, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội và hành động quyết liệt để hỗ trợ khu vực này phát triển.

Thứ hai, nâng cao vai trò kiến tạo của Nhà nước thông qua việc hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện hiệu quả, ban hành cơ chế, chính sách đột phá; xóa bỏ rào cản và tư duy “không quản được thì cấm”; đồng thời thúc đẩy hợp tác công – tư.

Thứ ba, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; có chính sách vượt trội nhằm khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Thứ tư, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt ngành nghề then chốt; thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng ra thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu quốc tế.

Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ vượt trội để thu hút nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao và ngành nghề mới, tạo nền tảng cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững.

Về Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Thủ tướng khái quát 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân.

Một, xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế...

Hai là phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong nhân dân.

Ba là xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.

Bốn là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước.

Năm là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.

"Thương trường là chiến trường, cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các chiến sỹ trên mặt trận kinh tế cống hiến vì đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

8 nhóm giải pháp đột phá để "cởi trói" và nâng tầm kinh tế tư nhân

Mục tiêu khác được đề ra trong nghị quyết là kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Để đạt được các mục tiêu đề ra tới năm 2030, 2045, Thủ tướng đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu trên.

Nhóm thứ nhất, đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Nhóm 2, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.

Nhóm 3 là tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Theo Thủ tướng, đây cũng là điểm mới của Nghị quyết, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể đối với những vấn đề đang vướng mắc.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP.

Nhóm 4 là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân, với các cơ chế, chính sách đột phá.

Nhóm 5 là tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Nhóm 6 là hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân thông qua các mô hình "lãnh đạo công - quản trị tư", "đầu tư công - quản lý tư", "đầu tư tư - sử dụng công".

Nhóm 7 là hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Nhóm 8 là đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.