Thủ tướng: Sách giáo khoa phải đổi mới nhưng đảm bảo chuẩn mực, ổn định phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cùng với việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ngành Giáo dục cần tập trung triển khai trong trước mắt và lâu dài việc đổi mới sách giáo khoa, đảm bảo chuẩn mực, ổn định phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Một nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 18/8, là: Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng ngành Giáo dục, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng về đường truyền internet tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng biểu dương những thành tựu quan trọng ngành GD&ĐT đạt được trong thời gian vừa qua, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đóng góp thành quả chung của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng lên.

Năm học 2022-2023, mặc dù phải đối mặt với rất gặp nhiều khó khăn, thách thức - nhất là sau đại dịch Covid-19 ngành Giáo dục đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được; nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, ra sức phấn đấu và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Đề cập vấn đề sách giáo khoa đang nóng thời điểm cận kề năm học mới, Thủ tướng yêu cầu sách giáo khoa phải đổi mới nhưng đảm bảo chuẩn mực, ổn định phát triển.

Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề ngành Giáo dục cần tập trung triển khai trong trước mắt và lâu dài. Đó là: Kiên trì, kiên quyết không để ma tuý vào trường học; khắc phục tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh; chú trọng nâng cao hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, thường xuyên; rà soát môn học giáo dục công dân trong trường phổ thông; có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học tạo vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

vt_bo gd&dt.jpg
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh, thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Sớm xem xét về tăng phụ cấp cho giáo viên

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học đang bị thiếu, xuống cấp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp từng địa phương. Sớm xem xét về tăng phụ cấp cho giáo viên.

Đặc biệt, về hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng ngành Giáo dục, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng về đường truyền internet tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, tạo đồng thuận xã hội; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch, xuyên tạc về giáo dục.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ đối để đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.

"Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất và năng lực công dân. Đặc biệt chú trọng và quan tâm giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật, ý thức công dân trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" - Thủ tướng nhấn mạnh./.