|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với báo chí bên hành lang QH - Ảnh: VGP |
Theo Thủ tướng, nhiều quốc gia đã thực hiện Luật về đơn vị hành chính đặc biệt như: Nhật Bản, Hàn Quốc… .Nhiều nước thành công, cũng như có nước không thành công với mô hình này.
Thủ tướng đánh giá cao những góp ý về dự thảo Luật của nhân dân, trí thức và kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới. "Đây là tinh thần yêu nước rất đáng hoan nghênh", Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ: “Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng phải lắng nghe những ý kiến này, chúng ta phải điều chỉnh lại thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân phản ánh”.
Về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất 99 năm tại Dự thảo Luật, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là đất thuê và thuê theo quy trình là hàng năm, UBND trình HĐND giá thuê đất chứ không phải giao vĩnh viễn như nhượng tô, nhượng địa như ở Hongkong trước đây."
Theo Thủ tướng, làm sao để cơ cấu nhà đầu tư phù hợp từng quốc gia, có tỷ lệ cần thiết để an ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu. Để mọi người không lo là một nước, một quốc gia nào đó đầu tư độc quyền trong vấn đề này. “Quá trình thực hiện sẽ có thiết kế cụ thể, còn luật chỉ là khung để tạo ra môi trường pháp lý cần thiết” - thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét về vấn đề này, điều chỉnh theo hướng giảm xuống, đảm bảo nguyện vọng của người dân, còn thời gian cụ thể sẽ do Quốc hội quyết định.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng có chia sẻ với báo chí về vấn đề này. Theo ông Dũng, việc cho thuê đất cần phải “thiết kế chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thật đặc biệt, thế nào mới được phép”. Đồng thời, quy trình phải chặt chẽ, thẩm quyền quyết định có thể đưa lên Quốc hội quyết.
Bộ trưởng Dũng cho biết, Luật Đặc khu đã chú trọng thiết kế về thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. trong 85 điều của dự thảo thì có tới 25 điều điều chỉnh thể chế, môi trường kinh doanh.
“Ưu đãi phải có, nhưng ở mức hợp lý, đã điều chỉnh giảm rất nhiều từ kỳ họp thứ 4 sang kỳ họp thứ 5, hiện nay gần như không có gì nữa rồi. Hiện, dự thảo luật thiết kế theo hướng tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, bình đẳng” – ông Dũng nói.