Đây là thông tin vừa được Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao - DAA Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức công bố vào chiều qua (12/12).
Đây sẽ là dịp để Chính phủ, các Bộ, ban ngành có liên quan lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ, hướng đến việc xây dựng một mô hình làm nông nghiệp kiểu mới với hình thức, quy mô và quy trình công nghiệp.
Cũng tại hội nghị ngày 18/12 tới, các đại biểu sẽ được trực tiếp học hỏi những kinh nghiệm thành công trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân thông qua các bài trình bày của đại diện các doanh nghiệp như Công ty TNHH Đầu tư thủy sản nam miền Trung, Công ty cổ phần Hùng Nhơn, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình. Đây là những doanh nghiệp đã tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất, chuyển đổi mô hình quản lý từ nông hộ truyền thống sang doanh nghiệp nông nghiệp và đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực tôm giống, chăn nuôi gia cầm, trái cây xuất khẩu.
Dựa trên nền tảng của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp hội viên, DAA đề xuất xây dựng nhiều mô hình tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Tổ hợp là khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung có diện tích lớn, được chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, sẽ quy tụ và liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong toàn chuỗi để đạt mục tiêu sản xuất với năng suất cao, sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh ở cả trong nước và quốc tế.
Tại sự kiện này, DAA sẽ giới thiệu đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm - “Sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát quy trình sản xuất Thực phẩm an toàn”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký DAA Việt Nam cho biết: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo đó cần thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người dân và cung cấp cho thị trường nguồn lương thực, thực phẩm sạch”.
Báo cáo phát triển Việt Nam có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” do WB tại Việt Nam công bố mới đây cho hay, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, bằng hơn một nửa so với Campuchia, Myanmar hay Philippines.
Rất nhiều vấn đề đặt ra trước mắt chúng ta từ việc thu hút đầu tư tư nhân, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, FDI vào nông nghiệp, nông thôn, vấn đề thương hiệu nông sản, chính sách đất đai, tích tụ ruộng đất và đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp của nhiều nước trên thế giới".
Theo Thủ tướng, nông nghiệp Việt Nam tất yếu có vai trò chiến lược trong mục tiêu đưa nước ta thoát bẫy thu nhập trung bình và vươn lên trong tiến trình toàn cầu hóa, xác lập chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế. Việt Nam phải là một trong những nền nông nghiệp năng động, thông minh, bền vững và có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á.
Nếu thực hiện được tầm nhìn này, chúng ta coi như đã hoàn thành một trong những sứ mệnh khó khăn và cần thiết nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.