|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: báo Pháp luật Việt Nam |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đầy đủ về những cơ hội, thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật. Đặc biệt trong bối cảnh tiến hành tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, đồng thời tích cực xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cùng các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội thảo còn là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh những nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới là: cần sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hoàn thiện pháp luật về đầu tư mạo hiểm, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, có ưu đãi thuế hợp lý đối với tài năng về công nghệ cao để tránh chảy máu chất xám. Sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng; sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân; xây dựng văn bản pháp luật để triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả chủ trương, định hướng xây dựng đô thị thông minh.
TS Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề cập: thế giới ngày nay đang thay đổi vô cùng nhanh chóng, không hề có ý định dừng lại để “chờ đợi” bất kỳ ai. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải có sự thay đổi và có thể thay đổi nhanh chóng, thay đổi tiến lên phía trước để thoát khỏi sự trì trệ, chậm chạp và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa. Nếu không hiểu đúng bản chất của CMCN 4.0 thì sẽ không có chủ trương chính sách đúng được. Và khi chúng ta loay hoay đi tìm câu trả lời phải làm thế nào thì chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Không có câu trả lời” vì chúng ta không hiểu bản chất của nó.
TS Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ cần ban hành kế hoạch chương trình hành động để phát triển thương mại điện tử (TMĐT) cũng như kinh tế Việt Nam trong thời kỳ CMCN 4.0 trong đó đưa ra yêu cầu hoàn thiện môi trường chính sách, quy định về phát triển các dạng thức TMĐT, công nghệ và thúc đẩy xây dựng các tổ chức hòa giải, trọng tài trực tuyến hoặc các tổ chức bổ trợ tư pháp khác để thúc đẩy kiểm soát và bảo vệ các cá nhân tham gia giao dịch trên môi trường Internet.
TS Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, trong hoạt động của tòa án ngày nay, xu hướng đơn giản hóa thủ tục tố tụng và ứng dụng CNTT trong hoạt động của tòa án đang được nhiều quốc gia thực hiện. Mô hình Tòa án Điện tử (eCourt) đã hình thành tại một số nước. Với việc áp dụng hệ thống nộp đơn qua mạng, tất cả các tài liệu sẽ được nộp bằng bản mềm và được nhập vào hệ thống máy chủ của tòa án mà không cần phải in ra. Tại nhiều nước, việc xét xử trực tuyến cũng đã được thực hiện để các thẩm phán, kiểm sát viên, nhân chứng, can phạm không nhất thiết phải có mặt tại tòa mà chỉ cần kết nối trực tuyến với mạng nội bộ của tòa án. Tuy nhiên theo ông, các thành tựu của CMCN 4.0 không thể miễn phí. Do đó, để những thành tựu này có thể vận dụng vào hoạt động giải quyết tranh chấp tại Việt Nam thì các nhà hoạch định cũng cần dự trù kinh phí cho các tiện ích mà CNTT mang lại. Không chỉ có vậy, ngành Tòa án Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các hệ pháp luật tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường nếu có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ lõi của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây... vào phát triển kinh tế - xã hội.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: báo Lao Động
|
Tuy vậy, trình độ KHCN của chúng ta có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, và nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu KHCN với phát triển và ứng dụng KHCN vào đời sống xã hội, sản xuất. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Và trên hết là chúng ta chưa tìm ra cách tiếp cận hiệu quả, chưa xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực tận dụng cơ hội đến từ CMCN 4.0.
Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới, sáng tạo và làm nản tâm huyết cống hiến trí tuệ của lực lượng DN công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phá mà còn tụt lại phía sau.
Thủ tướng đề nghị các Bộ, Ngành cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. "Tôi nghĩ muốn thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, thể chế pháp luật trong thời đại 4.0 là vô cùng quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Tư pháp phải nhanh chóng xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Ban hành Văn bản Nhà nước theo đúng tinh thần của CMCN 4.0.
Trước thềm sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, người máy thông minh, tiền mã hóa… đang thách thức những quan niệm truyền thống về chủ thể các quan hệ pháp luật và các quy tắc điều chỉnh quan hệ lao động. Thêm vào đó, chưa bao giờ vấn đề tội phạm công nghệ cao và bảo vệ bí mật đời tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, duy trì an ninh mạng lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Thực tế ấy cho thấy các quy định pháp luật dựa trên quan điểm pháp lý truyền thống đang tỏ ra chưa đủ để điều chỉnh một cách có hiệu quả với các tình huống phát sinh. Còn theo TS Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, việc dùng luật để xác lập các quy tắc pháp lý để xử lý các vấn đề phát sinh từ ứng dụng công nghệ mới trong CMCN 4.0 là một thách thức. Có thể thực tiễn cuộc sống sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều khả năng đáp ứng của quy trình xây dựng luật pháp hiện tại. Điều này cho thấy, việc tiếp tục tìm các giải pháp nhanh hơn nữa hoạt động lập pháp là rất cần thiết. |