Theo đó, ngày 17/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề có kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng (Nghị định số 92/2016), Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận ngành hàng không trong nước đã có nhiều khởi sắc trong thời gian qua với sự ra đời của các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhận định, thực tế cho thấy một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều).
Đáng chú ý, Thủ tướng nhận định ngành hàng không bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Nhằm hạn chế tình trạng này, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) chỉ đạo đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng…) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.
Trong đó, các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay.
Hoạt động đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ cũng được người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Cuộc họp cũng đã đi đến thống nhất nội dung về mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 92/2016.
Về quản lý tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ GTVT đề nghị giữ như quy định tại Nghị định số 92/2016, tuy nhiên, đa số ý kiến Thành viên Chính phủ đồng ý theo phương án sửa đổi. Vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT báo cáo giải trình xin ý kiến Thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2019 nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ máy bay nhập khẩu, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng rà soát các máy bay quân sự đã quá niên hạn sử dụng, hạn chế thấp nhất sự cố trong huấn luyện bay.
Trước đó, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, vào tháng 11/2018, Bộ GTVT đã có Văn bản số 12368/BGTVT-VT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP. Đây là bản sửa đổi lần thứ 2 sau khi Bộ GTVT tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ. Dự thảo Nghị định được hướng tới mục đích đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường hàng không dân dụng, bao gồm lĩnh vực: kinh doanh vận tải hàng không; cảng hàng không; cung cấp dịch vụ hàng không. Trong đó, Bộ GTVT đã đề xuất bỏ khoản 1, Điều 5, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP về “Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không”. Cụ thể, việc phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không sẽ được hủy bỏ. Như vậy, các nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định để có được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không. Bên cạnh đó, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không cũng được điều chỉnh với mục đích nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho các nhà đầu tư. Thêm nữa, tại Dự thảo Nghị định mới, Bộ GTVT đề xuất nới tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân đó. Trước đó, Nghị định số 92/2016 quy định trần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không được ấn định là 30%./. |