Thủ tướng kêu gọi đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phải có biện pháp phù hợp với tình hình khi người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, có cách làm tốt hơn, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số và an toàn về phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021.

Đó là một trong những nội dung được nêu ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, vừa diễn ra hôm nay (ngày 6/9).

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”. Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9/2021. Trong lúc còn khan hiếm vacicne, chưa bao phủ được vaccine thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội, phải tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nhân dân chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng, tích cực tham gia. Còn chống dịch là quan trọng, cần thiết, đột phá, phải tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt.

“Chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn…” - Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt vấn đề thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm với số lượng dự kiến 2-3 triệu lượt người.

Khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trước hết chọn 1-2 tổ chức để làm trước, rút kinh nghiệm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi hơn nữa để tập trung nguồn cho phòng, chống dịch. Có phương án điều hành ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình cụ thể, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài.

“Phải có biện pháp thu phù hợp với tình hình khi người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, có cách làm tốt hơn, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, thu thuế trực tuyến để tránh thất thu và an toàn về phòng, chống dịch” - Thủ tướng lưu ý.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Cùng với đó, cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành được giao nhiệm vụ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực quan tâm chỉ đạo, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, báo cáo trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Trong lúc khó khăn này, phải biến nguy thành cơ, cơ hội để đánh giá quản trị quốc gia, cơ hội đánh giá cán bộ, cơ hội chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Càng trong lúc này càng phải đoàn kết, thống nhất, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể để thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động tối đa các nguồn lực, nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh số hóa các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tập trung tháo gỡ thể chế cho sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh số hóa các lĩnh vực ngân hàng, tài chính và tập trung tháo gỡ thể chế cho sản xuất, kinh doanh.