|
Thủ tướng cũng chỉ rõ, có thể thấy còn nhiều nội dung triển khai Chính phủ điện tử chưa được như mong đợi, như còn thiếu các văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT,... |
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các thành viên Ủy ban Quốc gia ứng dụng CNTT về xây dựng Chính phủ điện tử diễn ra ngày 14/5/2018.
Bắt đầu từ những việc nhỏ
Để việc triển khai Chính phủ điện tử hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhận thức đây là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế, quản lý xã hội và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ TT&TT cũng được giao xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới (phiên bản 2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn mới; phối hợp với VPCP nghiên cứu, xây dựng các Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019. |
Thủ tướng lưu ý: “Từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”. Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó CNTT là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách”, thông báo kết luận nêu rõ.
Một nội dung công việc Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện ngay trong thời gian tới là thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký giúp Chủ tịch Ủy ban theo dõi, đôn đốc, điều phối hoạt động của Ủy ban. VPCP là cơ quan đầu mối xây dựng Chính phủ điện tử. Định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện.
Thông tin CSDL quốc gia còn cục bộ
Đánh giá về kết quả triển khai những nhiệm vụ Chính phủ điện tử được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử như xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu (CSDL) như CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về bảo hiểm; đang triển khai xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia,...
|
Hiện đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…; một số Bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức; chất lượng nhân lực về CNTT của Việt Nam cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, có thể thấy còn nhiều nội dung triển khai Chính phủ điện tử chưa được như mong đợi, như còn thiếu các văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT; việc xây dựng các CSDL quốc gia còn chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên, theo Thủ tướng, là do các cấp, các ngành chưa xác định rõ được lộ trình và các mục tiêu cụ thể để triển khai. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương còn coi nhẹ việc đưa các ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành, chưa coi đây là nhiệm vụ của người đứng đầu; việc triển khai mang nặng tính hình thức; thói quen thủ công, giấy tờ chưa được khắc phục…