Thủ tướng Anh cố gắng vực dậy hy vọng hòa bình Ukraine sau đối thoại Trump-Zelensky

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ cố gắng khơi lại hy vọng hòa bình ở Ukraine tại cuộc gặp với ông Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo phương Tây khác trong hôm 2/3.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bắt tay trong cuộc gặp tại số 10 phố Downing trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu, ngày 1/3. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bắt tay trong cuộc gặp tại số 10 phố Downing trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu, ngày 1/3. Ảnh: Reuters.

Sau cuộc tranh cãi nảy lửa với ông Trump, người đe dọa ngừng hỗ trợ Ukraine sau khi cáo buộc ông Zelensky vô ơn đối với viện trợ của Mỹ, nhà lãnh đạo Ukraine đã bay tới London trong hôm 1/3 và được chào đón trên Phố Downing bằng một cái ôm ấm áp từ Thủ tướng Anh Keir Starmer.

Ông Zelensky sẽ nhận được cam kết hỗ trợ từ ông Starmer và các nhà lãnh đạo châu Âu khác, những người phải đối mặt với câu hỏi rõ ràng là liệu họ có thể đảm nhận vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp vũ khí và tài chính cho Kiev trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào bắt đầu hay không.

Thiếu vũ khí và kho đạn dược phong phú của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu cho đến nay vẫn bày tỏ sự ủng hộ với ông Zelensky sau vụ tranh cãi tại Nhà Trắng, trong đó Đức kêu gọi giải ngân 3 tỷ EUR (3,1 tỷ USD) cho Ukraine.

Trong hôm Chủ nhật, ông Starmer hy vọng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể hơn để hỗ trợ Ukraine và cố gắng khôi phục một thỏa thuận hòa bình có thể có với Nga bằng cách thuyết phục ông Trump rằng châu Âu có thể đứng lên để tự vệ. Một số nhà lãnh đạo cũng có thể khuyến khích ông Zelensky quay lại đàm phán với nhà lãnh đạo Mỹ.

“Ba năm sau khi chiến sự bùng nổ, chúng ta đang ở một bước ngoặt”, ông Starmer nói trong một tuyên bố, đồng thời đưa ra “sự ủng hộ không ngừng cho Ukraine” bằng cách tăng gấp đôi việc cung cấp vũ khí, đào tạo và viện trợ cho Kiev. “Trong quan hệ đối tác với các đồng minh của chúng ta, chúng ta phải tăng cường chuẩn bị cho yếu tố đảm bảo an ninh của châu Âu bên cạnh các cuộc thảo luận tiếp diễn với Mỹ”.

Thủ tướng Starmer sẽ bắt đầu chuỗi sự kiện hôm 2/3 bằng cuộc hội đàm với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni sau khi chào đón ông Zelensky ngày 1/2 với thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ đối với một nhà lãnh đạo đang ở vị thế lung lay.

Sau đó, họ sẽ chào đón sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà Ursula von der Leyen, Tổng thư ký NATO Mark Rutte và các nhà lãnh đạo từ Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Canada, Phần Lan, Thụy Điển, Cộng hòa Séc và Romania. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tham dự.

Kết thúc tồi cho một tuần tốt đẹp

Cuộc tranh cãi của Zelensky với ông Trump hôm thứ Sáu đã kết thúc một tuần tốt đẹp khi châu Âu dường như ở vị thế tốt hơn trong nỗ lực khuyến khích ông Trump tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine sau chuyến thăm thân mật tới Washington của hai nhà lãnh đạo Macron và Starmer.

Cả hai đều đã hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra cái được gọi là “điểm chốt an toàn” cho lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tiềm năng trong trường hợp có thỏa thuận giữa Kiev và Moscow. Mặc dù họ không đạt được lời hứa từ ông Trump, nhưng Tổng thống Mỹ cũng không hoàn toàn bác bỏ ý tưởng này.

Nhưng phần còn lại của châu Âu lại chưa thực sự ủng hộ kế hoạch của các nhà lãnh đạo Pháp và Anh nhằm bảo vệ một thỏa thuận hòa bình, và ông Starmer sẽ hy vọng rằng ông sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo bằng cách đề xuất Anh trở thành cầu nối giữa châu Âu và Mỹ.

Cuộc gặp hôm 2/3 là động lực cho ông Starmer. Nhóm của ông chỉ ra rằng cuộc gặp của ông với ông Trump vào tuần trước đã diễn ra tốt hơn mong đợi khi ông Trump ca ngợi nhà lãnh đạo Anh và thậm chí gợi ý Ukraine có thể lấy lại một số vùng lãnh thổ đã mất trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Thế nhưng , cuộc gặp tồi tệ hôm thứ Sáu đã làm hỏng tâm trạng đó, và hội nghị thượng đỉnh hôm 2/3 cùng một cuộc họp bất thường của EU tổ chức tại Brussels vào tuần tới sẽ tập trung vào việc xác định liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có thể cung cấp cho Ukraine thứ gì đó cụ thể và sửa chữa những thiệt hại đã gây ra hay không.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp với sự tham gia của Mỹ, các quốc gia châu Âu và các đồng minh để thảo luận cách "đối phó với những thách thức lớn hiện nay, bắt đầu từ Ukraine".

Trong hôm nay, các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến ​​sẽ một lần nữa thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình có sự tham gia của Ukraine, nhằm củng cố vị thế của Kiev và đảm bảo các đảm bảo an ninh cần thiết nhằm đảm bảo nền hòa bình lâu dài và ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga trong tương lai.

Điều này đồng nghĩa với việc họ phải thuyết phục Washington đưa ra một biện pháp ngăn chặn, có thể dưới hình thức yểm trợ trên không, tình báo, giám sát.

Ông Starmer sẽ cập nhật cho các nhà lãnh đạo khác về cuộc gặp với ông Trump. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã ca ngợi nỗ lực của ông trong việc tăng chi tiêu quốc phòng và đề nghị triển khai quân gìn giữ hòa bình.

Hiện tại, ông Starmer muốn “giảm nhiệt” sau cuộc tranh cãi trong Phòng Bầu dục của ông Trump.

Một số nhà lãnh đạo cũng sẽ thúc giục Zelensky cố gắng xây dựng lại mối quan hệ với ông Trump. Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã kêu gọi nhà lãnh đạo Ukraine tìm cách khôi phục mối quan hệ.