"Đồng NDT vào SDR không có nghĩa là chấm dứt cải cách lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc", Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao cho biết tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Tuy nhiên, ông Guangyao cũng nêu rõ rằng Bắc Kinh không vội vàng để đồng NDT thả nổi tự do vì Trung Quốc vẫn đang cố gắng chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi đầu tư sang một mô hình liên kết với đổi mới.
"Bây giờ chúng tôi đang tiếp tục với một hệ thống quản lý nổi và chúng tôi hy vọng hệ thống này có thể giúp chúng tôi hoàn thành thành công quá trình chuyển đổi", ông nói.
Ông Zhu cũng nói rằng ông hy vọng đồng NDT sẽ phản ánh đầy đủ giá trị thị trường.
Các nhà hoạch định chính sách của IMF nhấn mạnh tại cuộc họp ngày 30.11 cho biết Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục và tăng cường cải cách.
Vào ngày 30.11, Ban lãnh đạo của IMF đã chính thức đồng ý cho nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền tệ quốc tế của quỹ này. Động thái của IMF nhằm tán dương sự tiến bộ của Trung Quốc khi hội nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu, nơi mà nhiều thập kỷ qua do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thống trị. Mặt khác, đây cũng được xem là chiến thắng biểu tượng cho quyền lực kinh tế toàn cầu của Trung Quốc.
Các chuyên gia IMF nhất trí cho rằng đồng NDT đã đáp ứng hai tiêu chí chính của quỹ đưa ra là "được sử dụng rộng rãi" và "được giao dịch tự do".
IMF cũng cho biết, đồng NDT sẽ chiếm 10,92% trong giỏ SDR. Sự hiện diện của nó sẽ làm giảm trọng lượng của 4 đồng tiền còn lại trong giỏ. Cụ thể: USD sẽ chiếm 41,73%, euro chiếm 30,93%, bảng Anh chiếm 8,09% và yen chiếm 8,33%.
IMF thường cơ cấu lại giỏ SDR 5 năm một lần. Trước đó, quỹ này đã từng từ chối đồng nhân dân tệ tham gia vào giỏ tiền tệ.
Tuyết Nhung - Theo Reuters, Một thế giới