Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Việt Nam đã đủ vaccine COVID-19, kể cả tiêm mũi 3

VietTimes – Đến nay, nước ta đã cơ bản đủ số lượng vaccine tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ em từ 12-17 tuổi; đủ nguồn vaccine tiêm mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên. 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - Minh Thuý)

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19

Bên lề lễ phát động giải báo chí toàn quốc “Vì sức khoẻ nhân dân” lần thứ nhất, diễn ra vào sáng nay, 8/12, trao đổi với PV VietTimes, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Trong năm 2022, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các địa phương tiêm mũi nhắc lại cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên; tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm vì những lý do như: chống chỉ định, tạm hoãn,…; tiếp tục tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi”

Đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi có hướng dẫn của WHO. Bộ Y tế phấn đấu đến giữa năm 2022 cơ bản tiêm xong mũi 3 cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Thông tin về nguồn vaccine, ông Tuyên cho hay: “Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã tích cực tìm kiếm nhiều nguồn vaccine COVID-19, bằng cách đặt mua vaccine, kêu gọi các nhà tài trợ,… Đến ngày 8/12, cơ bản đã đảm bảo đủ số lượng vaccine tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đủ nguồn vaccine tiêm mũi nhắc lại cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên”.

Theo báo cáo của cơ quan thường trực tiêm chủng, đến ngày 8/12 đã có 97% người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, mũi 2 đạt 70%; 5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine. Như vậy, về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, tiếp tục tiêm mũi 2, phấn đấu trong năm nay cơ bản tiêm mũi 2 cho người trưởng thành, bắt đầu tiêm mũi nhắc lại khi đủ thời gian. Từ đó, triển khai tiêm cho các trẻ từ 12-17 tuổi.

Với số lượng vaccine Bộ Y tế đã ký hợp đồng cung ứng, cùng sự hỗ trợ qua cơ chế COVAX,… đến nay cơ bản Việt Nam đã đủ nguồn vaccine tiêm cho người trưởng thành mũi 1, mũi 2, trẻ từ 12-17 tuổi, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Vì sao số ca tử vong vẫn tăng sau khi bao phủ vaccine COVID-19?

Trước thắc mắc của người dân về tỉ lệ tử vong vẫn liên tục tăng sau khi đa số người dân được tiêm vaccine COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế lý giải: “Tỉ lệ người bệnh ở Việt Nam tử vong thấp hơn nhiều so với thế giới. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau cần phải làm rõ. Do đó, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tìm hiểu vấn đề này. Bước đầu, Bộ Y tế nhận định hầu hết các bệnh nhân COVID-19 tử vong đều mắc bệnh nền, bệnh mạn tính, là người cao tuổi sức khoẻ suy giảm.

Để hạn chế tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong, Bộ Y tế đã chuyển sang chiến lược mới trong công tác điều trị. Cụ thể: Với tỉ lệ 97% người trưởng thành đã tiêm mũi 1, tất cả F0 nhẹ được Bộ Y tế hướng dẫn điều trị tại nhà theo phác đồ. Còn trường hợp mắc bệnh nặng sẽ được đưa vào bệnh viện để điều trị.

Theo ông Tuyên, để hạn chế tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong, Bộ Y tế đã chuyển sang chiến lược mới trong công tác điều trị (Ảnh - Minh Thuý)

Hiện, Bộ Y tế đang tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đã lưu hành, hoặc đang được nghiên cứu trên thế giới để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân mắc bệnh nặng. Khi các loại thuốc này được cấp phép bởi cơ quan chuyên môn của thế giới, thì sẽ được đưa về Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ tử vong.

Về việc đánh giá kháng thể ở người tiêm vaccine COVID-19 để xem hiệu quả của vaccine như thế nào, ông Tuyên cho hay: “Khi dịch bùng phát, Bộ Y tế đã giao cho Viện Pasteur, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá về vấn đề này. Hiện, các đơn vị đang nghiên cứu về kháng thể ở người tiêm vaccine. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sớm báo cáo kết quả nghiên cứu về Bộ để thông tin rộng rãi cho người dân”.