|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên |
|
Phóng viên Hải Văn: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết thời gian qua ngành Y tế đã có những bước chuyển đổi số (CĐS) nổi bật nào góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trong phòng, chống dịch COVID-19?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trong năm 2021, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hợp tác giúp đỡ của Bộ TT&TT và các bộ, ngành, sự vào cuộc của các cơ sở y tế, các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông, công tác CĐS của ngành Y tế tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, thu được một số kết quả đáng khích lệ:
Trước hết, đó là triển khai các giải pháp đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, bao gồm khai báo y tế, truy vết, quản lý xét nghiệm, quản lý người bệnh, hỗ trợ người dân vùng dịch, quản lý nguồn cung ô xy, v.v.
Đặc biệt, nền tảng quản lý tiêm chủng đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, quản lý toàn diện, từ phân bổ vắc xin, lập kế hoạch, triển khai tiêm, trả kết quả. Hệ thống này đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Hệ thống Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được triển khai tới trên 1.500 cơ sở y tế trong năm 2020, đến tháng 8/2021 đã được kết nối với 100% cơ sở y tế tuyến huyện.
Hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước tiếp tục được duy trì hiệu quả, với 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số, thực hiện kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và 63 UBND tỉnh, thành phố.
Tiếp tục duy trì 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế được trực tuyến hoá mức độ 4; tích hợp Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính điện tử của Bộ Y tế. Số hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trên môi trường điện tử của Bộ Y tế năm 2021 đạt trên 80%.
|
Ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS ở các cơ sở y tế tiếp tục được đẩy mạnh. Tất cả các bệnh viện đã có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), quản lý xét nghiệm (LIS), nhiều bệnh viện đã triển khai hệ thống quản lý chẩn đoán hình ảnh (RIS/PACS), có 26 bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không không dùng tiền mặt, từng bước hình thành bệnh viện thông minh.
Kiến tạo thể chế, hành lang pháp lý tiếp tục được đẩy mạnh để thúc đẩy CĐS ngành Y tế Việt Nam.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết khái quát kế hoạch CĐS của ngành y tế trong thời gian tới?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Toàn ngành chắc chắn sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để chăm sóc, bảo vệ tốt nhất sức khoẻ nhân dân.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các chương trình CĐS theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” và Quyết định 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt “Chương trình CĐS y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Trong đó, sẽ tập trung phát triển một số nội dung:
Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.
Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như là bác sĩ riêng, hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị.
Xây dựng các hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khám, chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc với bác sĩ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.
|
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những cơ sở y tế nào được Bộ Y tế đánh giá cao về CĐS trong thời gian qua?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trong thời gian qua, với sự thúc đẩy CĐS trong ngành y tế, nhiều cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đã nỗ lực triển khai CĐS tại đơn vị mình và đạt được những kết quả nhất định. Có thể kể những trường hợp tiêu biểu:
- Đơn vị y tế công lập có Sở Y tế tỉnh Phú Thọ; Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ; v.v.
- Đơn vị y tế ngoài công lập có Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng; Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi; Phòng khám đa khoa Mediplus Tân Mai; v.v.
Đây là những đơn vị tiên phong đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, không dùng bệnh án giấy, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng cho công tác chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh.
PV: Thứ trưởng có thể nêu tên một số nền tảng, ứng dụng, giải pháp CNTT thời gian qua được lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá xuất sắc? Tới đây, những trường hợp F0 tại Hà Nội và nhiều địa phương được cách ly, điều trị tại nhà, thì dự kiến phần mềm nào sẽ được sử dụng để quản lý F0?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thời gian qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, việc ứng dụng các nền tảng, giải pháp CNTT bước đầu đã góp phần trợ giúp hiệu quả công tác phòng, chống dịch, các hoạt động quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành Y tế. Có thể kể đến một số nền tảng, ứng dụng nổi bật:
- Hệ thống Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được triển khai tới trên 1.500 cơ sở y tế trong năm 2020, đến tháng 8/2021 đã được kết nối với 100% cơ sở y tế tuyến huyện.
- Hệ thống dịch vụ công trực tuyến với 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế được trực tuyến hoá mức độ 4; tích hợp Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính điện tử của Bộ Y tế và số hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trên môi trường điện tử của Bộ Y tế năm 2021 đạt trên 80%.
- Nền tảng tiêm chủng đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, quản lý toàn diện từ phân bổ vắc xin, lập kế hoạch, triển khai tiêm, trả kết quả trực tuyến.
Về việc ứng dụng CNTT quản lý những trường hợp F0 mà Hà Nội và một số địa phương dự kiến sẽ cách ly, điều trị tại nhà, hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ TT&TT để triển khai xây dựng phần mềm phù hợp cho việc này.
|
PV: Lĩnh vực thụ lý và thẩm định hồ sơ xin cấp đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc trong năm 2020 và 2021 đã có những bước tiến mới nào về phương diện CĐS, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thời gian vừa qua, Cục Quản lý Dược đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký thuốc, cho đến nay đã triển khai hầu hết các công cụ phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính đăng ký thuốc, cụ thể:
(1) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc lần đầu.
(2) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành.
(4) Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành.
(5) Công bố dược chất và tá dược, vỏ nang của thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành.
(6) Đính chính thông tin giấy đăng ký lưu hành thuốc.
(7) Xác nhận thông tin, quảng cáo thuốc.
Hiện chỉ còn 01 thủ tục Cục Quản lý Dược đang phối hợp Viettel hoàn thành công cụ tiếp nhận, thẩm định, công bố thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành và dự kiến quý I/2022 sẽ hoàn thành toàn bộ các công cụ trực tuyến và thực hiện tiếp nhận, thẩm định, giải quyết 100% hồ sơ đăng ký thuốc theo hình thức trực tuyến.
Với hệ thống trực tuyến, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc nộp hồ sơ, bổ sung hồ sơ, theo dõi và nhận kết quả thẩm định trên hệ thống online, không cần đến nộp hồ sơ, nhận kết quả trực tiếp tại Bộ Y tế.
Cục Quản lý Dược cũng đã công khai toàn bộ dữ liệu cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc lần đầu để doanh nghiệp và người dân tiện tra cứu, đồng thời xây dựng ngân hàng dữ liệu ngành dược để cung cấp thông tin của hàng chục nghìn thuốc đang được cấp phép lưu hành tại Việt Nam tại địa chỉ https://drugbank.vn.
PV: Hiện ở các nước SRA quản lý dược phẩm chặt chẽ, tài liệu và hồ sơ chất lượng thuốc đều được công bố online. Xin Thứ trưởng cho biết những hồ sơ online đó hiện đã được chấp nhận ở Việt Nam hay chưa? Nếu chưa thì những đơn vị xin cấp phép lưu hành tại Việt Nam cho những thuốc hữu quan phải hoàn thiện bộ hồ sơ bằng cách nào?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Hiện nay, trên thế giới mới có một số cơ quan quản lý dược công bố thông tin về giấy tờ pháp lý của cơ sở đăng ký thuốc trên hệ thống trực tuyến. Các thông tin công bố này đã được Cục Quản lý Dược chấp nhận để xem xét, thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc và đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 29/2020/TT-BYT của Bộ Y tế.
|
Các tài liệu về hồ sơ chất lượng thuốc của cơ sở sản xuất nộp cho cơ quan quản lý để thẩm định và được các cơ quan quản lý lưu giữ, hiện chưa có cơ quan quản lý nào công bố các hồ sơ này. Trường hợp có cơ quan quản lý dược tiến hành công bố công khai các tài liệu này thì cũng có thể sẽ xem xét để chấp nhận.
Đối với việc đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp đã thực hiện nộp hồ sơ đăng ký và bổ sung hồ sơ đăng ký trên hệ thống trực tuyến.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, hiện các hồ sơ xin cấp phép lưu hành thuốc đã được ngành y tế số hóa và quản lý tập trung chưa, có còn hiện tượng hồ sơ bản giấy bị thất lạc phải nộp lại không?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Từ đầu năm 2020, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất thuốc đăng ký lưu hành tại Việt Nam phải cập nhật hồ sơ đăng ký thuốc lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Cho đến nay, đã có trên 22.250 hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được các doanh nghiệp cập nhật lên hệ thống.
Đến quý I năm 2022, 100% các hồ sơ trong lĩnh vực đăng ký thuốc sẽ được tiếp nhận, xử lý trực tuyến và trên hệ thống trực tuyến thì không có việc thất lạc hồ sơ trong quá trình tác nghiệp vì toàn bộ hồ sơ được số hóa và nằm trên hệ thống quản lý tập trung về đăng ký thuốc.
|
PV: Lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) năm nay có những đổi mới gì đáng chú ý về mặt CĐS, thưa Thứ trưởng? Thời gian trước mắt, việc CĐS ở lĩnh vực này cần phải tăng tốc và làm triệt để ở những khía cạnh nào?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thời gian qua, Cục ATTP đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc quản lý các sản phẩm thực phẩm xuất, nhập khẩu, ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm... nhằm góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Ngay từ năm 2014, Cục ATTP đã là một trong những đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực ATTP một cách chủ động, hoàn chỉnh, số hóa tất cả các khâu từ việc tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, bổ sung hồ sơ, thanh toán trực tuyến, trả kết quả đều thực hiện trên môi trường số, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Việc giải quyết thủ tục hành chính mang lại lợi ích về thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp, minh bạch công khai quá trình giải quyết hồ sơ.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước: giảm thiểu việc lưu trữ hồ sơ, nhanh chóng truy xuất được hồ sơ, khi cần công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cộng đồng.
|
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tại lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 |
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực ATTP, Cục ATTP cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới như: Đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp 100% lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung bảo mật); triển khai hệ thống thông tin ATTP quốc gia.
Cục ATTP cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ngộ độc thực phẩm; hệ thống xếp hạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm an toàn và cảnh báo về ATTP; Ứng dụng CNTT trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cấp đăng ký sản phẩm thực phẩm (nhận dạng, so sánh các sản phẩm cùng tên, cùng thành phần, v.v., tra cứu các chỉ tiêu được phép, không được phép sử dụng trong thực phẩm, công dụng của sản phẩm đã được đăng trên các sách, tạp chí uy tín, v.v.); Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng kiểm nghiệm đạt chứng nhận ISO: 17025 được chỉ định.
|
PV: Quản lý nhà nước ở lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm ở nước ta có xu hướng tích hợp (Food & Drug) như ở nhiều nước phát triển không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tại Việt Nam, trong Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã đặt ra yêu cầu nghiên cứu mô hình hệ thống tổ chức ngành Dược theo hướng quản lý tập trung, toàn diện dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người (FDA). Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng đề án mô hình này.
|
PV: Xin Thứ trưởng cho biết việc CĐS trong lĩnh vực khám, chữa bệnh thời gian qua có những gì nổi bật, thời gian sắp đến cần nhấn mạnh và tăng tốc những hợp phần nào?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Nổi bật là công tác khám, chữa bệnh từ xa theo Đề án 2628/QĐ-BYT do Bộ trưởng BYT phê duyệt đã được đẩy mạnh và kích hoạt từ Trung ương đến địa phương với hơn 1500 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xã đến tận TTYT cấp huyện. Việc đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa đã góp phần giảm khoảng cách y tế, phòng chống dịch COVID-19, giúp huy động sức mạnh và trí tuệ toàn ngành trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra chúng tôi cũng đẩy mạnh hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử, v.v.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai đề án Hồ sơ sức khỏe cá nhân, theo đó mỗi một người dân có một hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bao gồm phần hành chính, phần tiền sử, bệnh sử. Đặc biệt nhất là mỗi khi ốm, đến bệnh viện thì đều được cập nhật bệnh án vào sổ sức khỏe điện tử cá nhân.
Thực hiện sâu, rộng việc khám, chữa bệnh từ xa, ứng dụng KHCN, CNTT trong khám, chữa bệnh và quản trị bệnh viện.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian cho bạn đọc VietTimes!