Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, trong những năm qua, triển khai thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như các văn bản chuyên ngành như Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, công tác tiêu chuẩn, đo lường và quản lý chất lượng chuyên ngành thông tin và truyền thông đã được đẩy mạnh và ngày càng đi vào nề nếp.
Cụ thể, công tác tiêu chuẩn hóa của Bộ TT&TT đã được triển khai tích cực, xây dựng bổ sung mới các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Bộ đã xây dựng, ban hành 120 QCVN, đề nghị Bộ KHCN công bố 144 TCVN bao trùm các lĩnh vực: bưu chính, xuất bản, viễn thông, Internet, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Công tác quản lý chất lượng, Bộ TT&TT cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành; quy định về kiểm định trạm gốc thông tin di động BTS; quy định quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, truyền hình. Lĩnh vực quản lý chất lượng dịch vụ, Bộ TT&TT đã tập trung rà soát 3 quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ viễn thông nhằm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật dịch vụ phù hợp hơn về công nghệ và phản ánh đúng chất lượng thực tế. Lĩnh vực kiểm định trạm gốc BTS, Bộ đã chỉ đạo các tổ chức chứng nhận triển khai phương án giải quyết các trạm gốc BTS đã được doanh nghiệp đo kiểm nhưng chưa cấp giấy chứng nhận kiểm định, đồng thời tăng cường năng lực đảm bảo kiểm định mới và kiểm định lại các trạm BTS một cách đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển mạng của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng nêu lên một số khó khăn bất cập trong công tác tiêu chuẩn, đo lường, quản lý chất lượng chuyên ngành trong thời gian qua chưa đáp ứng được như các doanh nghiệp có đề xuất mới về danh mục các dịch vụ viễn thông cần quản lý chất lượng; các Sở TT&TT cũng mong muốn được phân cấp và tham gia sâu hơn vào quản lý chất lượng dịch vụ chuyên ngành; còn có nhiều khó khăn trong triển khai dùng chung hạ tầng viễn thông thụ động như cột BTS và ngầm hóa các mạng cáp cho viễn thông, truyền hình; khó khăn trong chuyển đổi từ cột ăng ten cồng kềnh sang các cột ăng ten không cồng kềnh để đảm bảo mỹ quan, thân thiện với người dân; việc cấp giấy chứng nhận kiểm định cho trạm BTS tại một số địa bàn còn chậm; vẫn còn những lo lắng, khiếu kiện của người dân về ảnh hưởng của sóng điện từ đến sức khỏe; còn lúng túng trong công tác tuyên truyền về ảnh hưởng của sóng điện từ của các trạm BTS tới sức khỏe con người.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận về các nội dung để thống nhất triển khai có hiệu quả công tác quản lý trong thời gian tới như: giải quyết các nội dung mà các doanh nghiệp viễn thông và các Sở TT&TT ở địa phương còn gặp khó khăn và có nhiều đề xuất, kiến nghị; Làm rõ và tăng cường vai trò của các Sở TT&TT đối với công tác quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, quản lý hạ tầng viễn thông thụ động, xây dựng trạm BTS tại địa phương. Đồng thời tại Hội nghị này Bộ sẽ phổ biến, quán triệt các quy định chung về công tác tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, quản lý chất lượng dịch vụ, hạ tầng viễn thông thụ động; Hướng dẫn áp dụng và thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ viễn thông mới ban hành.